Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Bởi vì, thứ nhất, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.
Thứ hai, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Thứ ba, việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này. Hơn nữa, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cho phép Quốc hội quyết định ở các đơn vị hành chính là quận và phường có thể tổ chức mô hình chính quyền đô thị không phải là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.
Về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11), trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các luật về quy hoạch hiện hành quy định rất chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua. Việc dự thảo Nghị quyết giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.
Vì vậy, để cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu về vấn đề quản lý quy hoạch theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong Nghị quyết này. Quy định như vậy vừa đề cao được vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của địa phương mà vẫn gắn với thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kiểm soát của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là chủ thể phân cấp, tránh dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch. Điều này cũng phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân cấp được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 8.
Về quản lý tài chính - ngân sách (Điều 12), Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với việc cho phép thành phố Đà Nẵng thí điểm áp dụng các cơ chế quản lý tài chính - ngân sách đặc thù theo đề xuất của Chính phủ. Ủy ban Pháp luật xin có ý kiến như sau:
Về việc ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương (khoản 1 Điều 12): Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chính sách đặc thù đã được nêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định nội dung này vì không khác so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về sử dụng nguồn cải cách tiền lương (khoản 2 Điều 12): Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo Nghị quyết về sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng nguồn lực chi đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Quy định trong dự thảo Nghị quyết cũng tương tự như cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh đã được quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14.
Về việc giao HĐND thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí (khoản 3 Điều 12): Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giao HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí, lệ phí; tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố tương tự như quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14, nhưng đề nghị rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết nhóm những loại phí, lệ phí nào có thể cho phép HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu, ví dụ đối với lệ phí, án phí Tòa án thì không nên giao cho địa phương tự điều chỉnh./.