Các phát hiện trên đã được thông báo tới chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới cũng như các chuyên gia y tế công cộng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Giám đốc điều hành (CEO) Hiệp hội thể thao New Zealand PracticeNZ, ông Richard Beddie đã bày tỏ nguyện vọng thảo luận với Chính phủ New Zealand về cách thức giúp người dân nước này sống khỏe mạnh và an toàn trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Ông Beddie là người rất tích cực phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và đã có nhiều cuộc nói chuyện về tác dụng của việc tập thể dục ở nhiều nước.
Ông Beddie cho biết trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã phát hiện tác dụng tăng đề kháng ở những người tập thể dục thường xuyên. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 kết hợp với tập luyện thể chất cũng sẽ giúp tăng hiệu quả của vaccine. Cụ thể, chương trình vận động thể chất kéo dài 12 tuần trước khi tiêm phòng có thể tăng hiệu quả tạo miễn dịch từ 20% - 40%.
CEO PracticeNZ nhấn mạnh "nếu tập thể dục là một viên thuốc, PracticeNZ sẽ tài trợ loại thuốc này và gửi tặng đến mọi người dân New Zealand như một phần trong chiến lược tăng cường sức khỏe cộng đồng nhằm phòng ngừa COVID-19".
Nghiên cứu do một nhóm nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là Đại học Glasgow Caledonian (GCU), tiến hành. Theo đó, GCU cùng các nhà dịch tễ học nổi tiếng từ Đại học London và Đại học Ghent ở Bỉ, các nhà khoa học thể thao tại Đại học Cádiz ở Tây Ban Nha và một chuyên gia sức khỏe cộng đồng từ hội đồng y tế NHS Lanarkshire của Vương quốc Anh đã tiến hành đánh giá 16.698 nghiên cứu dịch tễ học trên toàn thế giới được công bố từ tháng 1/1980 đến tháng 4/2020.
Nghiên cứu nhận thấy 30 phút vận động mỗi ngày trong 5 ngày mỗi tuần (như đi bộ, chạy, đạp xe và các bài tập tăng cường thể lực) có thể tác động đáng kể đến khả năng miễn dịch, từ đó giúp phòng các bệnh truyền nhiễm như COVID-19.
Báo cáo nghiên cứu trên nêu rõ hoạt động thể chất giúp tăng cường “tuyến phòng thủ" đầu tiên của hệ miễn dịch của con người và tăng mật độ tế bào miễn dịch.