Xin ý tưởng, xin cả giáo án
Trên một diễn đàn dành cho giáo viên, thời gian này liên tục thấy những đề nghị xin kinh nghiệm, góp ý, ý tưởng cho bài hội giảng, thao giảng hay chuyên đề… từ thầy cô giáo ở khắp các vùng miền.
“Tuần sau em thao giảng bài Tập đọc Bưu thiếp của lớp 2, các thầy cô có thể tư vấn cho em một vài ý tưởng để dạy theo hướng phát triển năng lực được không ạ? Em bí quá nghĩ mãi không ra”.
“Em chuẩn bị thi tiết dạy tốt bài này... Thầy cô có kinh nghiệm hướng dẫn em cách dạy phát huy năng lực của học sinh với ạ”.
“Sắp tới mình hội giảng toán bài 31 nhân số có ba chữ số cho số có một chữ số theo chương trình Vnen, mong các thầy cô chia sẻ ít kinh nghiệm”.
“Em chuẩn bị dạy thao giảng bài này… Mong các thầy các cô có thể góp ý cho em các hoạt động của bài làm sao cho sinh động được không”.
“Em chuẩn bị dự giờ bài này. Mong các thầy các cô có thể góp ý, chia sẻ một số cách thức tổ chức, trò chơi, các hoạt động của bài làm sao cho sinh động được không. Đây là toán 5 Vnen...”.
“Sắp tới Phòng Giáo dục về kiểm tra chuyên đề trường em. Em có tiết toán bài Tìm một số hạng trong một tổng. Tiết Tiếng Việt ôn tập tiết 6 và tiết 7 (lớp 2). Mong thầy cô góp ý kiến để em học hỏi và giúp em có tiết dạy tốt với. Em thật sự rất cần sự giúp đỡ của thầy cô”.
“Sắp tới em tập giảng bài này mà kiến thức và em còn hạn hẹp nên không biết dạy thế nào cho hay. Các cô thầy ở đây có thể cho e xin ý tưởng dạy sao cho hay với”…
Bên cạnh những lời đề nghị tư vấn, xin ý tưởng, có không ít thầy cô đề nghị xin luôn giáo án để tham khảo.
“Thứ 6 này em có tiết giảng bài Tổng nhiều số thập phân lớp 5. Thầy cô trong nhóm có thể cho em xin giáo án hoặc hướng dẫn em cách khai thác bài này được không”.
“Sắp tới em có lên chuyên đề phát triển năng lực tiết Luyện từ và câu. Thầy cô nào có giáo án phát triển năng lực hoặc ý tưởng gì để dạy cho em xin tham khảo”.
“Sắp tới em thao giảng 1 tiết Toán lớp 1. Em xin giáo án và phương pháp dạy bài này”.
“Sắp tới em lên tiết dạy bài Tiếng Việt lớp 1, Bài 9A. Các thầy cô có thể cho em xin kinh nghiệm Cách dạy và hình thức hoạt động không ạ. Hoặc cho em xin giáo án tham khảo với”.
Thậm chí, có cô giáo sáng hôm sau thao giảng rồi, chiều nay vẫn còn đi xin giáo án.
Mỗi trạng thái “xin” thường có cả chục, thậm chí cả trăm bình luận để lại địa chỉ email để “xin ké”.
Có người xin thì cũng có người cho. Có giáo viên tìm giáo án mình đã soạn trước đây để gửi, có giáo viên sẵn lòng tặng đồng nghiệp cả bộ file chuyên đề mình vừa thực hiện.
Có những người tìm và đưa thẳng những đường link bài giảng mẫu chia sẻ cho những giáo viên khác. Hay, đơn giản hơn, các thầy cô bảo nhau “Cứ lên Google, cái gì cũng có”.
Xin nhau tưng bừng là thế, nhưng dường như các thầy cô nhìn nhận về việc thao giảng, dạy chuyên đề lại không hề tích cực.
Cũng ngay trong nhóm, khi có thành viên đưa thông tin và hình ảnh về một chuyên đề hoạt động trải nghiệm lớp 1 đã diễn ra tại một trường tiểu học ở Chương Mỹ, Hà Nội thì hàng chục bình luận bên dưới đồng loạt hô “Diễn”.
Để "thao giảng" không phải là "thao diễn"
Là nhà giáo lâu năm trong nghề, thầy giáo Nguyễn Đăng (An Giang) cho biết “quy trình” thực hiện các tiết thao giảng như sau: vào đầu mỗi năm học, các Hội đồng bộ môn cấp huyện họp và thông qua những chuyên đề thao giảng trong năm, sau đó phân công cho các trường thực hiện trong từng thời điểm cụ thể.
Thông thường mỗi Hội đồng bộ môn thực hiện khoảng 4-5 tiết thao giảng chuyên đề khác nhau ở các trường trên địa bàn.
Theo kế hoạch đó, Ban giám hiệu và tổ bộ môn của các trường sẽ lựa chọn giáo viên thực hiện tiết thao giảng. Kế hoạch được lên chi tiết theo từng bước cụ thể: Ai là người đứng ra thực hiện tiết thao giảng, ai là người sẽ cùng xây dựng, cùng soạn giáo án...
Sau đó là dạy thử để các thành viên trong tổ bộ môn và Ban giám hiệu góp ý nhằm hướng tới một tiết dạy chất lượng nhất.
Tới ngày thao giảng, ngoài đại diện của trường còn có các đại diện của trường trên địa bàn, thường là Phó hiệu trưởng chuyên môn, các tổ trưởng môn học, các giáo viên bộ môn của khối thực hiện thao giảng...
Một thầy giáo ở Hòa Bình chia sẻ: “Việc tập luyện cho một buổi thao giảng mất rất nhiều thời gian của cả cô và trò. Trong khi đó, nhiều người dự để dự thôi chứ làm sao giúp đỡ được vì có kinh nghiệm đứng lớp thường xuyên đâu. Hơn nữa, mọi chi tiết trong tiết dạy đều trơn tru, nhuần nhuyễn rồi nên cũng chẳng còn gì để góp ý nữa”.
Theo thầy giáo này, các tiết chuyên đề, thao giảng thường lớp chỉ chọn ít học sinh tham dự . “Các buổi dạy có dự giờ hay hội giảng chỉ là biểu diễn xem ai khéo thôi, chứ ngoài thực tế đố các cô dạy được như vậy.
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM nhìn nhận rằng về bản chất, thao giảng là hoạt động dạy học nâng cao, với mong muốn là dịp để giáo viên trao đổi, học tập và rút kinh nghiệm, cho ra phương pháp dạy học tốt hơn.
“Tuy nhiên, đúng là đang có tình trạng giáo viên dạy rập khuôn, máy móc theo các tiết giảng mẫu mà họ tham khảo được. Vì vậy, để phương pháp này thực sự phát huy hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường phải thường xuyên nâng cao ý thức cho giáo viên về mục đích, ý nghĩa của những giờ dạy và học thao giảng. Từ đó duy trì các giờ thao giảng chuyên đề có sự tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp”.
Vị hiệu trưởng này cũng cho biết việc đánh giá chất lượng của những giờ học thao giảng một cách chính xác phải dựa trên mức độ hiểu và tiếp thu bài của học sinh. “Muốn vậy, cũng phải triệt để không để xảy ra tình trạng giờ thao giảng chỉ toàn học sinh khá giỏi, còn học sinh kém hơn thì… ở nhà”.