Phim gia đình: Đi mãi vẫn chưa hết ngõ ngách
Không hề có cốt truyện trinh thám gay cấn hay nhiều bất ngờ, bộ phim “Về nhà đi con” đang là cái tên hot cả trên mạng lẫn ngoài đời thực. Có những gia đình cả ông bà, con cháu đều mong ngóng đến 9h tối theo dõi diễn biến tâm lý bốn bố con nhà ông Sơn. Câu chuyện phim ‘Về nhà đi con’ vốn đơn giản chỉ xoay quanh 3 chị em gái Huệ, Thư, Dương - họ mất mẹ từ thủa nhỏ, mỗi người một tính cách, một lối sống. Chị cả Huệ dịu dàng, điềm đạm. Cô hai Anh Thư xinh đẹp nhưng thực dụng. Cô út Ánh Dương bộc trực, hoang dã như một cậu con trai. Cả 3 người con ở những lứa tuổi khác nhau, suy nghĩ khác nhau, gặp phải những biến cố của riêng mình. Trong khi Huệ dính phải người chồng cờ bạc, rượu chè thì Thư vốn thực dụng lại gặp ngay một anh chàng nhà giàu ăn chơi, khiến cô có bầu và dẫn đến cuộc hôn nhân bất đắc dĩ. Dương – cô em út trẻ nhất đang ở lứa tuổi học sinh, mạnh mẽ nhưng dễ bị tổn thương và không ít lần va vấp bởi chính sự thiếu kinh nghiệm của mình. Điều may mắn của 3 chị em, đó là trên con đường kiếm tìm hạnh phúc, họ luôn có điểm tựa là ông Sơn, người bố tận tuỵ, hết mực yêu thương các con.
Phim “Nàng dâu Order”. I.T. |
Cảnh gà trống nuôi ba cô con gái của ông Sơn khiến khán giả tốn không ít khăn giấy, nhiều phân đoạn khiến người xem lặng đi như đang xem chính một lát cắt đời mình. Đó là cảnh Thư (Bảo Thanh) xúc phạm người phụ nữ bán hoa ngay trước cửa nhà trong tậ 48 vì nghi ngờ bà hẹn hò với bố mình. Tuy nhiên sau khi người phụ nữ đó lộ diện, Thư đã sụp xuống vì thấy gương mặt bà quá giống người mẹ quá cố. Đã có không ít khán giả viết về đoạn phim này trên trang facebook cá nhân với tất cả sự thấm thía, từng trải của mình. Để rồi, những chia sẻ trên mạng, những câu chuyện bên bàn trà đã kéo những người chưa từng xem “Về nhà đi con” phải hì hụi vào mạng theo dõi từ tập đầu. Lấy câu chuyện của một gia đình hiện đại, bộ phim “Nàng dâu Order” cũng đang được nhiều khán giả theo dõi. Phim không khai thác mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu mà lại là chuyện bà nội chồng và nàng dâu đầy éo le. Với dàn diễn viên chất lượng từ trẻ đến những cái tên gạo cội, “Nàng dâu Order” khiến khán giả không thể bỏ qua với hàng loạt tình huống nhạy cảm do bà nội gây ra như vào phòng cháu không gõ cửa, chen ngang giữa hai cháu để nằm ngủ… Từ những mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống, hai vợ chồng trẻ trong bộ phim đối mặt với cuộc hôn nhân khó có thể cứu vãn.
Mỗi thước phim là một lát cắt cuộc sống phong phú giúp người xem nhìn nhận lại tổ ấm của mình, giúp các thành viên hiểu suy nghĩ của nhau, đặc biệt là thế hệ phụ huynh biết lắng nghe thấu hiểu để đồng hành cùng con trẻ trong xã hội hiện đại - khác xa thế hệ ông bà bố mẹ khôn lớn và trưởng thành.
Phim “Ngày ấy mình đang yêu”. I.T. |
Vai phụ được tô đậm hơn
Thực tế, bên cạnh những bộ phim gia đình gây sốt, vẫn có một số bộ phim bộc lộ những lối mòn, công thức chung chung, mờ nhạt trong lòng khán giả. Nhưng cũng có nhiều bộ phim chọn hướng đi mới, đó là cho vai diễn phụ nhiều đất diễn hơn nữa, giúp bộ phim trở nên đa màu sắc hơn. Đó cũng là một nét mới mà một số phim truyền hình ăn khách đã và đang khai thác.
Trong phim “Nàng dâu Order”, NSƯT Trọng Trinh – người đóng vai Phú -nhân vật bố Phong – nam chính lại vô tình lấy lòng được khá nhiều người. Ông không nằm trong tuyến nhân vật chính, nhưng ông tạo nên nhiều phân cảnh hay khiến bộ phim ám ảnh người xem. Ông Phú gây thiện cảm đặc biệt với khán giả khi là người có cái nhìn thấu đáo và tường tận trong mọi chuyện. Dù con trai mình đúng hay sai, ông không bao giờ bênh hay chỉ trích. Thay vào đó, ông sẽ cùng con ngồi nói chuyện như những người bạn để giải quyết vấn đề tận gốc.
Với con dâu, ông Phú cũng không trách cứ khi con không giỏi việc nhà, suốt ngày chỉ chạy theo mua hàng online. Trái lại, ông còn là đồng minh của con dâu khi con dâu rơi vào những tình huống giở khóc dở cười do bà nội đẩy vào. Những suy nghĩ điềm đạm, cử chỉ quan tâm nhỏ nhặt nhưng ấm áp, ông Phú khiến nhiều khán giả mến mộ, thậm chí giúp người xem có cái nhìn công tâm hơn, nhân văn hơn với con dâu con rể.
Tương tự, khi nhắc đến bộ phim “Ngày ấy mình đã yêu”, khán giả không nói quá nhìều tới Nhan Phúc Vinh, Chí Thiện hay Nhã Phương, Bảo Thanh, thay vào đó lại nói nhiều hơn về chàng công an “Cần Trô”. Nhân vật Đức (do Xuân Nghị thủ vai) đã chinh phục hoàn toàn khán giả với những hành động chân thực, nét mặt thần thái, những câu nói tếu táo… Chỉ bằng đúng đoạn hội thoại ngắn ngủi của mình với Sol (Bảo Thanh) cùng chất giọng miền trong lơ lớ, chàng trai Đức Cần trô đã khiến cho vai Đức của mình từ một vai rất phụ trở thành cái tên biểu tượng của bộ phim.
Chỉ cần những điểm nhấn cho những vai diễn phụ vừa đủ, không quá phô trương, gượng gạo, nhiều đạo diễn đã có thể khiến bộ phim thú vị hơn, đa chiều hơn. Những bộ phim về gia đình nhờ thế đậm hơi thở cuộc sống và đi vào tâm trí người xem hơn.