Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin tên lửa phóng vệ tinh mới "Chollima-1" đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định.
Đây là nỗ lực phóng vệ tinh thứ sáu của Triều Tiên và là lần đầu tiên kể từ năm 2016. Đây được cho là đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên bay vào quỹ đạo.
Vụ phóng đã gây ra cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ngắn ở các vùng của Hàn Quốc cũng như Nhật Bản.
Triều Tiên cho biết nước này sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên trong khoảng thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ.
Trong dữ liệu cung cấp cho các cơ quan quốc tế, Triều Tiên cho biết vụ phóng sẽ đưa tên lửa về phía nam, với các tầng và các mảnh vỡ khác dự kiến sẽ rơi xuống biển Hoàng Hải và Thái Bình Dương.
Còi báo động không kích đã rền vang khắp thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào khoảng 6:32 sáng (giờ địa phương) khi thành phố cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán, trước khi rút lại cảnh báo và không ghi nhận thiệt hại.
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành một cảnh báo khẩn cấp đối với hệ thống phát sóng J-Alert của họ để người dân ở phía nam đảo Okinawa trú ẩn trong nhà vào sáng sớm thứ Tư. Cảnh báo cũng đã được dỡ bỏ do tên lửa không bay vào lãnh thổ Nhật Bản.
Hôm thứ Ba, ông Ri Pyong Chol - phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc đòi hỏi chính quyền Bình Nhưỡng phải có "phương tiện có khả năng thu thập thông tin về các hành động quân sự của kẻ thù trong thời gian thực".
Các nhà phân tích nhận định Triều Tiên đã thử 5 lần phóng vệ tinh khác, trong đó có 2 lần được đưa vào quỹ đạo, bao gồm cả lần phóng gần đây nhất vào năm 2016. Tuy nhiên, khả năng chế tạo các vệ tinh hoạt động của nước này vẫn chưa được chứng minh.