Theo AP, hộp đen máy bay được thiết kế để chịu được va chạm mạnh, tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt. Nhưng với hộp đen máy bay Lion Air mang số hiệu JT610, nó bị vỡ nát, hư hỏng nhiều bộ phận bên trong.
Dựa trên thông tin ban đầu, Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, nói động cơ máy bay vẫn hoạt động tốt ở tốc độ cao trước thời điểm va chạm xảy ra.
“Vụ va chạm quá mạnh khiến máy bay vỡ tan thành nhiều mảnh”, Soerjanto nói. Chiếc hộp đen hiện bị hư hỏng nặng, cả lớp vỏ hấp thụ chấn động bên ngoài và cấu trúc bên trong.
"Chúng tôi vẫn chưa tải được dữ liệu từ hộp đen vì có một số bộ phận bị vỡ nát", Haryo Satmiko, phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia nói.
Nhưng phần bộ nhớ của hộp đen dường như vẫn còn nguyên vẹn. “Tôi tin rằng bộ nhớ của hộp đen vẫn trong tình trạng tốt”, Cash, một cựu chuyên gia an toàn hàng không nói.
Nhưng điều này sẽ khiến việc trích xuất và phân tích dữ liệu mất nhiều thời gian hơn so với bình thường.
Đội tìm kiếm và cứu hộ Indonesia hiện vẫn đang tích cực tìm hộp đen thứ hai của máy bay. 4 ngày tìm kiếm không ngừng nghỉ trôi qua kết thúc bằng một chiếc hộp đen bị hư hại.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã yêu cầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. “Chúng ta không được có bất cứ tai nạn nào như vậy trong tương lai. Sự an toàn của hành khách phải được đặt lên hàng đầu”, ông nói.
Máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT610 chở theo 189 người đã đâm xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh hôm 29.10. Không có bất kỳ nạn nhân nào sống sót trong tai nạn thảm khốc này.