Tuy nhiên theo một phân tích mới đây, các đề xuất này đều đi kèm với những khoản chi phí khổng lồ, song cả hai ứng cử viên đều chưa đưa ra giải pháp cho bài toán kinh tế đó. Những khoản chi "vung tay quá trán" được cho sẽ khiến mức nợ công của Mỹ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD dù bất kể ai thắng cử. Viễn cảnh này sẽ khiến tình hình tài chính của nước Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Theo báo cáo công bố hôm 07/10 của Ủy ban Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm Mỹ (CRFB), kế hoạch của bà Harris sẽ khiến nợ công của nước này tăng thêm 3,5 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, trong khi đó con số này sẽ tăng vọt thêm 7,5 nghìn tỷ USD theo đề xuất của ông Trump. Tuy nhiên, CRFB lưu ý rằng những phân tích được đưa ra vẫn có những sai số nhất định.
Bà Harris đã cam kết hỗ trợ cho trẻ sơ sinh, tăng chi tiêu cho việc chăm sóc trẻ em và người già, đồng thời, cung cấp ưu đãi thuế cho những người mua nhà lần đầu. Tuy nhiên, bà cũng đưa ra tuyên bố sẽ tăng thuế đối với các tập đoàn, hộ gia đình có thu nhập từ 400.000 USD trở lên. Theo ước tính của CRFB, những chính sách này sẽ giúp ngân sách Mỹ có thêm 4,25 nghìn tỷ USD.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ tiếp tục gia hạn các khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào năm 2017 và sẽ hết hạn vào năm tới. Ngoài ra, ông Trump cho biết sẽ loại bỏ thuế thu nhập với các khoản tiền hoa hồng, trợ cấp an sinh xã hội và lương làm thêm giờ. Thay vào đó, nguồn thu ngân sách sẽ được bù đắp thông qua việc tăng thuế nhập khẩu. Theo ước tính của CRFB, chính sách này giúp ngân sách Mỹ thu về 2,7 nghìn tỷ USD .
Theo đánh giá của các nhà phân tích, những biện pháp của bà Harris nhiều khả năng sẽ không có tác động lớn đến mức nợ công của Mỹ, mức tăng thêm chỉ vào khoảng 8,1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, các đề xuất của ông Trump có thể làm tăng mức nợ tăng từ 1,5 nghìn tỷ USD đến 15,2 nghìn tỷ USD.