Việt kiều Mỹ bị tố lừa đảo cung cấp nhiều thông tin bất nhất

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ông Nguyễn Tấn Khải - Giám đốc Công ty TNHH Đức Quang Khải (Tam Kỳ, Quảng Nam), người bị tố lừa đảo làm Chương trình EB-5 đã có buổi làm việc với phóng viên Tạp chí Ngày Nay hôm 21/8. Đáng nói, giữa thông tin, tài liệu mà phía ông Khải cung cấp có nhiều sự bất nhất.

Ngoài ông Khải, buổi làm việc còn có luật sư Bùi Bá Dũng - Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam, được ông Khải giới thiệu là đại diện pháp lý của mình; và ông Trần Thanh Liêm, được ông Khải giới thiệu là trợ lý của mình.

Đáng ngờ số tài khoản bên Mỹ

Ông Khải cho biết, khoảng đầu năm 2017, ông từ Mỹ về Việt Nam để tìm cơ hội tại quê nhà. Qua các mối quan hệ, ông quen biết bà V. để mua bán đất, sau đó bà V. nói với ông làm sao đó để gia đình được định cư ở Mỹ. Sau đó, ông Khải nói cho bà V. biết về Chương trình EB-5 và được bà V. đồng ý.

Theo lời ông Khải, thì thời điểm đó bà V. không có tiền, chỉ có đất biển, nên bà V. nói ông Khải cho mình mượn 300.000 USD để đặt cọc giữ chỗ nhằm tránh tăng giá, và bà V. sẽ trả cho ông Khải bằng đất biển. “Sau đó khoảng một hay hai tuần chi đấy, thì tôi với cô ta ký hợp đồng 2 bên là tôi cho cổ mượn 300.000 USD để đặt cọc Chương trình EB-5”, ông Khải nói.

“Hợp đồng 2 bên” mà ông Khải nói, là “Bảng Cam kết thỏa thuận làm thủ tục đầu tư định cư tại Hoa Kỳ theo Chương trình EB-5” được lập ngày 29/7/2018 (gọi tắt là Bản cam kết). Trong Bản cam kết có đoạn “Được sự ủy quyền của bên A (bà V.-PV), bên B (ông Khải-PV) ứng trước 300.000 USD là tiền cọc” chứ không phải ông Khải cho bà V. mượn 300.000 USD như lời ông Khải nói. Và trong tài liệu mà phía ông Khải cung cấp, không có bất kỳ thông tin nào thể hiện bà V. mượn của ông Khải 300.000 USD.

Còn bà V. nói rằng chính ông Khải mới là người hối bà tranh thủ nộp tiền đặt cọc vì lí do lên giá nếu chậm nộp. “Ngoài ra, tôi còn đưa cho ông Khải thêm 300 triệu đồng tiền chi phí đi lại. Sau đó ổng đem về 1 tập card visit và bảo đó là thẻ xanh”, bà V. cho biết thêm. Cũng theo bà V., thời điểm này ông Khải vẫn đang còn ở nhờ nhà bà.

Việt kiều Mỹ bị tố lừa đảo cung cấp nhiều thông tin bất nhất ảnh 1

Tờ khai mở tài khoản ngân hàng tại Mỹ có trước ngày ông Khải qua Mỹ.

Ông Khải cho biết khoảng 2 tuần sau khi ký Bản cam kết ngày 29/7/2018, ông bay về Mỹ để chuyển tiền cho bà V. mượn, thu xếp chương trình định cư cho bà V. và số tiền này được ông Khải chuyển vào tài khoản do hai người cùng mở. Ông Khải cho biết mình ở Mỹ khoảng 1 tháng để xử lý những việc trên. Về những thông tin này, bà V. cho biết mình chưa từng cùng mở tài khoản nào với ông Khải cả, “nếu có thì toàn ổng tự làm và bịa đặt cả”, bà V. nhấn mạnh.

Phía ông Khải cũng cung cấp cho phóng viên thông tin tài khoản của bà V. được mở tại Ngân hàng First Intercontinental Bank (Mỹ) “để hợp thức hóa việc chuyển tiền vào dự án đầu tư EB-5 ngày 15/5/2018”. Tuy nhiên, bà V. khẳng định mình chưa từng qua Mỹ. “Việc này lên công an tra là ra ngay. Tôi chưa từng đi Mỹ thì làm sao mở tài khoản ngân hàng ở đó?”, bà V. đặt câu hỏi.

Còn trong các tài liệu mà phía ông Khải cung cấp, có một văn bản được cho là tờ khai mở tài khoản tại Ngân hàng First Intercontinental Bank của bà V. tại Mỹ. Khi phóng viên hỏi lại, thì được ông Liêm xác nhận đó là tờ khai mở tài khoản của bà V. tại ngân hàng này. Tuy nhiên, ngoài điền thông tin của bà V., không có bất kỳ chữ ký nào của bà V., và lạ lùng là tờ khai này được lập vào ngày 8/7/2018, có trước khi ông Khải qua Mỹ để mở tài khoản như lời ông Khải nói!

Lãnh đạo một công ty chuyên hoạt động lĩnh vực môi giới, tư vấn, hỗ trợ Chương trình EB-5 cho biết, người tham gia Chương trình EB-5 được gọi là nhà đầu tư. Chi phí sẽ được nhà đầu tư nộp trực tiếp vào tài khoản dự án tại Mỹ mà nhà đầu tư sắp đầu tư.

Bất thường Hợp đồng cam kết phía ông Khải cung cấp

“Sau khi thu xếp xong thì về lại Việt Nam, rồi qua bên đó thương lượng mời chủ tịch tập đoàn là ông Nathan về ký hợp đồng trực tiếp với cổ chứ tôi chỉ là người giúp đỡ thôi”, ông Khải cho biết. Cả ông Khải và ông Liêm đều nói rằng việc ký kết diễn ra tại Nhà hàng Ba Cơ (Tam Kỳ, Quảng Nam) và “ông ấy ký trực tiếp với vợ chồng bà V.”. Ông Khải còn nhấn mạnh rằng là hợp đồng này được ông Nathan ký với hai vợ chồng bà V.

Hợp đồng mà ông Khải nói ở trên là “Hợp đồng cam kết Chương trình đầu tư và định cư Hoa kỳ EB-5” (gọi tắt là Hợp đồng cam kết). Khi phóng viên đưa cho ông Khải và ông Liêm xem bản hợp đồng đó, đồng thời nói đó là “Hợp đồng cam kết ký ngày 7/12/2019” thì cả ông Khải và ông Liêm đều xác nhận là đúng. Bản Hợp đồng cam kết này do bà V. cung cấp cho phóng viên.

Trong hợp đồng này, ông Nathan tên đầy đủ là Nathan Park - Chủ Dự án đầu tư EB-5 của Công ty KVC Holding LLC. Đáng nói, hợp đồng này chỉ có mỗi chứ ký của bà V. chứ không phải hai vợ chồng bà V. ký như lời ông Khải nói, và hợp đồng này còn có chữ ký của ông Khải với vai trò là “người đại diện”, trái ngược với lời ông Khải nói mình “chỉ là người giới thiệu thôi”.

Việt kiều Mỹ bị tố lừa đảo cung cấp nhiều thông tin bất nhất ảnh 2

Sự khác nhau ở trang cuối Hợp đồng cam kết . Bìa phải là do phía ông Khải cung cấp, bìa trái là do phía bà V. cung cấp, được phía ông Khải xác nhận là đúng tại buổi làm việc trực tiếp với phóng viên hôm 21/8.

Bà V. bác bỏ những thông tin ông Nathan về Việt Nam ký hợp đồng với mình, khẳng định: “Không hề có ông nào về đây để ký hợp đồng cả”, đồng thời cho biết chính ông Khải và ông Liêm là hai người mang các giấy tờ đến Nhà hàng Ba Cơ và đưa cho bà ký.

Khi phóng viên yêu cầu phía ông Khải cung cấp thêm hồ sơ, tài liệu để rà soát, đối chiếu cho khách quan, thì được chấp nhận. Tuy nhiên, mãi 5 ngày sau là ngày 25/8, phía ông Khải mới cung cấp hồ sơ sau nhiều ngày “gần xong”, “sắp xong”. Đáng chú ý, Hợp đồng cam kết phía ông Khải cung cấp có một số thông tin khác bản bà V. cung cấp cho phóng viên, bản mà cả ông Khải lẫn ông Liêm đều khẳng định là đúng tại buổi làm việc trực tiếp hôm 21/8.

Cụ thể, bản bà V. cung cấp ký ngày 7/12/2019, còn bản phía ông Khải cung cấp ngày ký là 28/6/2018.

Bản tiếng Việt bà V. cung cấp có 6 trang, 18 mục, có chữ ký của ông Nathan đại diện Công ty KVC Holding LLC (bên A, chủ Dự án đầu tư), chữ ký của bà V. và người đại diện của bà V. là ông Khải (bên B); bản phía ông Khải cung cấp có 7 trang, 20 mục, phần ký của bên A còn có chữ ký của ông Vinh Tran (sau này ông Khải cho biết tên là Vĩnh Trần) đại diện Công ty One Bright Life LLC, dù bản Hợp đồng cam kết này không hề có dòng nào thể hiện sự hiện diện hay vai trò của Công ty One Bright Life LLC và ông Vinh Tran trong hợp đồng hay Chương trình EB-5.

Phía ông Khải không cung cấp bản Hợp đồng cam kết bằng tiếng Anh, trong khi phía bà V. thì có, ngày ký bản tiếng Anh lẫn tiếng Việt đều là ngày 7/12/2019. Cả 2 bản này đều không có dòng nào đề cập đến ông Vinh Tran và Công ty One Bright Life LLC.

Biên lai thanh toán có trước… hợp đồng!

Trở lại buổi làm việc hôm 21/8, ông Khải cho biết, sau khi việc ký kết này xong xuôi, “thì về bên kia”. Ông Khải cũng khẳng định rằng sau đó hồ sơ của bà V. đã xong, tiến hành đúng thủ tục, “tiền đã bỏ vô đủ cho bả ở bên kia 500.000 USD, với 100.000 USD tiền dịch vụ phí rất là rõ ràng trong hồ sơ”, đồng thời đề nghị bà V. ký sang tên các lô đất để trả tiền cho mình.

Tuy nhiên, trong Thông báo Biên lai thanh toán có chữ ký của ông Khải và ông Nathan ngày 25/7/2018 do phía ông Khải cung cấp, thì địa điểm ký kết biên lai này là tại Khách sạn Bàn Thạch ở Tam Kỳ (Quảng Nam) chứ không phải ở “bên kia” như lời ông Khải nói. Biên lai thanh toán ghi rõ “ông Nguyen Tan Khai, người đại diện của bà V. (nhà đầu tư EB-5) đã thanh toán tổng số tiền 100.000 USD cho ông Nathan”.

Mốc thời gian ký Biên lai thanh toán này thậm chí còn có trước Hợp đồng cam kết ngày 7/12/2019 và Bản cam kết ngày 29/7/2018. Câu hỏi đặt ra, là làm sao có thể thanh toán cho một khoản chi phí chưa hình thành và chưa biết dành cho mục đích gì?

Ngoài ra, ông Khải còn cho biết ông Nathan có khẳng định bà V. có đầu tư vào dự án EB-5 với số tiền 500.000 USD. Đối chiếu với các tài liệu mà phía ông Khải cung cấp, thông tin này đúng với văn bản có chữ ký của ông Nathan ngày 17/10/2019 “Gửi đến các cơ quan hữu quan” về việc thông tin đầu tư EB-5 của bà V. Tài liệu có chữ ký của ông Nathan này cũng do phía ông Khải cung cấp.

Tuy nhiên, văn bản này cũng thể hiện sự mâu thuẫn, bất nhất giữa một số nội dung mà phía ông Khải cung cấp. Chẳng hạn như tài liệu của Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) đến ngày 5/2/2020 phát đi thông báo là đã nhận hồ sơ của bà V., thì làm sao mới ngày 17/10/2019 mà ông Nathan biết mà khẳng định bà V. đã trở thành thành viên của Chương trình EB-5? Đó là chưa nói, thông báo của USCIS chỉ là mới báo nhận hồ sơ chứ chưa có bất kỳ thông tin gì về xử lý hay đã chấp nhận hồ sơ của bà V.

Nhận thấy sự bất thường của hồ sơ bên phía ông Khải cung cấp, phóng viên nhiều lần đề nghị được tiếp cận hồ sơ gốc nhưng phía ông Khải chưa đáp ứng.

Ngày Nay sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này!

Cận cảnh chao đèn họa tiết hoa mẫu đơn cánh kép.
Họa tiết hoa mẫu đơn: Ngoại lệ của Louis Comfort Tiffany
(Ngày Nay) - Những chùm hoa mẫu đơn lớn nhiều màu sắc với hương thơm ngào ngạt luôn chiếm vị trí đắc địa trong khu vườn. Dù là hoa cánh đơn hay cánh kép, Louis Comfort Tiffany cũng không thể cưỡng lại vẻ đẹp kiều diễm ấy.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC.,. : CNN.
Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ cho Ukraine
(Ngày Nay) - Với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel và một số nước khác.
Viết về một định kiến
Viết về một định kiến
(Ngày Nay) -  Việc đặt “viên mãn” và hôn nhân tan vỡ thành một cặp phạm trù đối lập là một thói quen phổ biến trong giao tiếp của Việt Nam. Chính tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, và cũng thấy cái nhị nguyên đó là bình thường. Cho đến một ngày, một đồng nghiệp của tôi tâm sự nhỏ nhẹ, làm thế nào để nhắc mọi người đừng giật tít thế nữa nhỉ. “Dàn sao phim X sau 20 năm: Người viên mãn, người ly hôn”. Ly hôn đối lập với viên mãn. Mọi người nói, và thẳm sâu nghĩ thế.
Ảnh minh hoạ.
TP HCM: Chủ động phòng ngừa bệnh sốt rét
(Ngày Nay) - Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, để bảo vệ thành quả loại trừ bệnh sốt rét, năm 2024 TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt rét.