Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Anthony Albanese tới Việt Nam kể từ khi nhậm chức và chỉ 2 tháng sau chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền Australia, thể hiện sự coi trọng của Australia trong quan hệ với Việt Nam.
Trong những năm gần đây, các cuộc tiếp xúc cấp cao liên tục giữa lãnh đạo hai nước cho thấy, cả hai bên đang có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có việc hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, giáo dục và đào tạo.
Sát cánh trong tham gia sứ mệnh chung
Chia sẻ về kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Australia trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cho biết, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Bản ghi nhớ với Việt Nam về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2015. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung hợp tác rất thiết thực và hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực này, bao gồm: Đào tạo tiếng Anh, huấn luyện, hỗ trợ vật chất, trang thiết bị. Australia đã hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho lực lượng nòng cốt của Đội Công binh, các thê đội của Bệnh viện dã chiến cấp 2; huấn luyện cho các Đội cấp cứu đường không của Bệnh viện dã chiến cấp 2. Hàng năm, hai bên đều tổ chức các chương trình trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, 16 chuyến máy bay C-17 của Không quân Hoàng gia Australia đã đưa, đón gần 300 trăm lượt cán bộ, nhân viên y tế và khoảng 300 tấn trang bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tới thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan và trở về nước tuyệt đối an toàn. Các hoạt động này đã trở thành biểu tượng tốt đẹp và là hình mẫu về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giữa hai nước.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, đánh giá, hợp tác gìn giữ hòa bình giữa Việt Nam và Australia là điểm nổi bật trong quan hệ song phương. Theo Đại sứ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam đã có đóng góp quan trọng trong công tác chăm sóc y tế cho thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như người dân địa phương tại Bentiu, Nam Sudan.
"Trong tương lai, chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác gìn giữ hòa bình, cũng như chứng kiến Việt Nam đảm nhận vai trò ngày càng tích cực và xây dựng hơn trong các hoạt động gìn giữ hòa bình toàn cầu", Đại sứ Goledzinowski nói. Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Toàn quyền Australia David Hurley, ông cùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đến thăm Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Tại đây, ông đánh giá, dù tham gia chưa lâu vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, nhưng hiệu quả công việc cùng sự chuyên nghiệp của Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Việt Nam, đã góp phần tạo ra sự thay đổi cho thế giới. Ghi nhận những hoạt động hỗ trợ các cộng đồng dân cư, giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân các nước ở địa bàn đóng quân, Toàn quyền David Hurley khẳng định ý nghĩa của việc Việt Nam và Australia cùng nhau sát cánh tham gia sứ mệnh chung, hợp tác trong hoạt động triển khai lực lượng sang địa bàn, đào tạo và huấn luyện tiền triển khai; mong muốn tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Đánh giá cao sự hỗ trợ hợp tác của Australia dành cho Việt Nam trong lĩnh vực này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, với bề dày kinh nghiệm về đào tạo, huấn luyện, triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Australia luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ủng hộ và hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho Việt Nam trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chủ tịch nước mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn nữa của Australia đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong thời gian tới.
Tăng cường hợp tác giáo dục
Với khoảng 31.000 học sinh, sinh viên đang học tại Australia, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các quốc gia có sinh viên du học tại đây.
Australia cũng cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam. Tính đến tháng 3/2023, có 45 chương trình liên kết, đào tạo liên thông, 200 văn kiện hợp tác, nghiên cứu chung giữa các trường Đại học, viện nghiên cứu hai nước. Bên cạnh đó, các trường đại học, học viện của hai nước đang có 37 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Đại học RMIT đã mở 2 cơ sở (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) với hơn 6.000 sinh viên theo học, dự kiến sẽ mở tiếp tại Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng, tăng vốn đầu tư thêm khoảng 100 triệu AUD vào Việt Nam. Tháng 10/2021, hai nước đã ký thỏa thuận bổ sung Chương trình Phát triển Nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2021 - 2025, trị giá 50,1 triệu AUD. Sau gần hai năm gián đoạn vì COVID-19, tháng 12/2021, Australia bắt đầu mở cửa biên giới, đón sinh viên quốc tế, trong đó có Việt Nam, trở lại Australia.
Trong chuyến thăm chính thức Australia diễn ra tháng 12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục Việt Nam-Australia. Tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức các diễn đàn hợp tác giáo dục giữa hai nước, nhất là giáo dục đại học. “Việt Nam mong muốn hợp tác giáo dục giữa hai nước ở các cấp độ Nhà nước với Nhà nước, Bộ với Bộ và cơ sở giáo dục đào tạo với nhau”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ.
Cụ thể, về phía Nhà nước, bên cạnh việc hợp tác toàn diện, hai bên cần tập trung vào ba trọng tâm: Chia sẻ kinh nghiệm về quản trị đại học; khung chương trình đào tạo quốc gia của các cấp học; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh và sinh viên. Cùng dự Diễn đàn, Thượng nghị sĩ đồng Bộ trưởng phụ trách Thương mại và Sản xuất Tims Ayres cho rằng, hợp tác giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hai nước. Hai bên đang có rất nhiều nỗ lực cụ thể nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Đánh giá cao hình thức du học tại chỗ mà Việt Nam đã phối hợp với các đối tác triển khai thời gian qua, đồng Bộ trưởng Tim Ayres nhấn mạnh, điều này phản ánh một đất nước Việt Nam hiện đại, cởi mở với những ý tưởng hợp tác mới, các hình thức đầu tư mới. Việc cung cấp các dịch vụ giáo dục, hỗ trợ nghiên cứu không phải chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn rất nhiều giá trị sâu sắc hơn nữa vì các thế hệ tương lai. Hợp tác giáo dục giữa hai nước có ý nghĩa không chỉ với từng cá nhân mà còn nhằm tăng cường năng lực cho các thể chế. Các cơ sở giáo dục đào tạo của Australia cũng rất mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam.
Trong buổi tiếp xúc với Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị Australia tăng cường hơn nữa trao đổi học sinh, sinh viên giữa hai nước; hỗ trợ Việt Nam trong giảng dạy Tiếng Anh; khuyến khích các trường đại học của Australia mở phân hiệu tại Việt Nam; mong phía Australia hỗ trợ Việt Nam trong quản lý, hỗ trợ du học sinh đang học tập tại Australia.
Trước những đề nghị của Bộ trưởng, ngài Andrew Goledzinowski thể hiện sự đồng tình và khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này. Ngoài ra, ngài Đại sứ cũng đề cập đến việc phát triển mạng lưới cựu du học sinh Australia tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực giáo viên và tin tưởng hợp tác giáo dục Việt Nam và Australia sẽ ngày càng phát triển.
Lĩnh vực hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình, giáo dục và đào tạo chỉ là hai điểm sáng trong số rất nhiều lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Anthony Albanese từ 3-4/6/2023 sẽ tiếp tục góp phần củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt như chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế, đầu tư, lao động, giáo dục, công nghệ, biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân…