Trước những tác động lớn của biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh việc tăng cường các giải pháp ngăn ngừa, xử lý hiệu quả ô nhiễm để duy trì cân bằng hệ sinh thái; đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Thông tin tại Hội thảo lần thứ 4 về “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý môi trường - ICEPORM 2024” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/3, Thứ trưởng Lê Công Thành cho hay sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam đã không ngừng được nâng cao.
Tuy vậy quá trình phát triển kinh tế-xã hội cũng tạo áp lực lớn đối với môi trường sinh thái; tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng đã tác động đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa.
“Những vấn đề này đã và đang cản trở việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam,” ông Thành nhấn mạnh.
Ông Thành cũng lưu ý Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung hiện vẫn đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên. Liên Hợp quốc cũng đã cảnh báo các hệ sinh thái trên Trái Đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có.
Theo ông Thành, thực tế trên đang gia tăng các thách thức đối với không chỉ Việt Nam mà là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về biến đổi khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và nguồn nước.
“Nếu hành động chậm trễ, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội quý giá để duy trì một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Thực trạng này buộc chúng ta cần phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên,” ông Thành chia sẻ.
Nhấn mạnh thêm về quan điểm bảo vệ môi trường của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho hay mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm hướng tới phát triển bền vững là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
“Đây cũng là vấn đề luôn được đặt ở vị trí trọng tâm trong các chương trình nghị sự; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái,” ông Thành khẳng định.
Với quan điểm đó, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế sẽ cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế để cùng nhau tìm ra lời giải pháp hiệu quả, phù hợp nhất với Việt Nam trong vấn đề xử lý ô nhiễm; bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững đất nước và triển khai cam kết của Việt Nam “giảm phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050.”
Giáo sư Hoàng Chung Thẩm - Đại học Auburn (Mỹ), trưởng ban tổ chức hội thảo cũng nhấn mạnh để giải quyết được vấn đề môi trường một cách trọn vẹn, điều quan trọng là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và các cơ sở sản xuất tư nhân, nhà máy công nghiệp để tìm ra giải pháp chung, phục vụ mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.
Về phía quốc tế, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết thời gian qua, USAID đã hợp tác chiến lược với Bộ Tài nguyên và Môi trường để cải thiện an ninh môi trường và hỗ trợ hành động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chỉ tính từ 2021 đến nay, USAID đã hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh, thành phố, các nhà nghiên cứu địa phương hơn 30 triệu USD để giải quyết ô nhiễm môi trường.
“Để duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường, USAID sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan ở địa phương trong thời gian tới,” đại diện USAID tại Việt Nam nhấn mạnh.