Theo thông tin đăng tải trên báo điện tử Vnexpress, 24 giờ qua không có ca nhiễm mới. Bệnh nhân cuối điều trị tại tỉnh Thái Bình cũng đã khỏi bệnh. Nâng tổng số người khỏi bệnh lên 321.
Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ghi nhận ở Việt Nam là 332, trong đó 192 ca nhập khẩu được cách ly ngay, số còn lại lây nhiễm cộng đồng. 57 ngày qua không có lây nhiễm cộng đồng.
Các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại 6 cơ sở y tế, tình trạng sức khỏe cơ bản ổn định. 3 người đã xét nghiệm âm tính lần một, hai âm tính lần hai. Còn 6 người vẫn dương tính.
Hơn 9.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 159 người, tại cơ sở tập trung hơn 8.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thế giới ghi nhận hơn 420.000 người chết trong hơn 7,5 triệu ca nhiễm. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân 91 được đưa ra ngoài hành lang phơi nắng |
Liên quan đến trường hợp nặng nhất là Bệnh nhân 91 (nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy), Vietnamplus dẫn tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết sức khỏe bệnh nhân tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực.
Hiện tại, bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, nhớ được mật khẩu của điện thoại và máy tính bảng iPad cá nhân. Khả năng vận động hai chi trên của bệnh nhân dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại.
Về nhiễm trùng ở phổi do Burkholderia cenocepacia và Ralstonia Pickettii, mẫu cấy đàm gần nhất của nam bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính.
Trong hai ngày qua, bệnh nhân được tập bỏ máy thở ngắt quãng và thời gian bỏ máy thở đang tăng dần, không còn sốt, thở chậm hơn với lượng oxy cung cấp chỉ 3 lít/phút.
Đặc biệt, sức cơ hai chân của bệnh nhân cũng đạt mức 3/5, cải thiện hơn so với một tuần trước đó. Bệnh nhân cũng có thể ngồi được trên xe lăn với sự trợ giúp của nhân viên y tế để phơi nắng mỗi sáng.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết kế hoạch điều trị tiếp theo là ngưng kháng sinh khi đã đủ liều, tiếp tục tập bỏ máy thở, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, tập vận động phục hồi chức năng tích cực, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng mới và sau cùng là đánh giá việc rút cannule mở khí quản sau khi đã bỏ được máy thở để bệnh nhân có thể giao tiếp trở lại bằng lời nói.
Trước đó, bệnh nhân đã lần đầu mỉm cười với các nhân viên y tế vào ngày 4/6, đến ngày 8/6 bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, đung đưa hai chân.
Bệnh nhân đã có thể tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh. Với sự tiến bộ hiện tại của bệnh nhân, có thể thời gian cần cho việc bỏ hoàn toàn máy thở sẽ ngắn hơn như đã tiên lượng trước đó.