Các nước tham gia thảo luận bày tỏ lo ngại về tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng vẫn tiếp diễn, trong đó có hơn 80% số người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực tại các vùng nông thôn, trong khi an ninh lương thực bị đe dọa bởi đại dịch COVID-19, xung đột và các thách thức toàn cầu. Các nước kêu gọi cần triển khai các biện pháp toàn diện, đa chiều với sự tham gia của nhiều bên liên quan để xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, tăng cường khả năng chống chịu bền vững của hệ thống lương thực và kêu gọi các đối tác phát triển, các cơ quan LHQ tăng cường hỗ trợ về tài chính, xây dựng năng lực và chia sẻ kinh nghiệm cho nỗ lực xóa đói giảm nghèo tại các nước đang phát triển.
Phát biểu thay mặt ASEAN, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ chốt tại khu vực Đông Nam Á, giúp tạo việc làm cho khoảng 30% dân số và đóng góp 12% cho GDP, đồng thời đóng góp đáng kể vào nỗ lực chung xóa đói giảm nghèo, khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng và phát triển bền vững ở khu vực. Đại sứ chia sẻ thống kê đáng lo ngại rằng sẽ có gần 670 triệu người, chiếm 8% dân số thế thế giới rơi vào tình cảnh thiếu lương thực vào năm 2030. Trước thách thức đó, ASEAN tiếp tục cam kết tăng cường an ninh lương thực trong khu vực thông qua thực hiện Chiến lược hợp tác về lương thực và nông lâm nghiệp 2016 – 2025, Khuôn khổ an ninh lương thực và Chiến lược hành động về an ninh lương thực 2021 – 2026 và Khuôn khổ Chiến lược và Chương trình hành động về dinh dưỡng 2018 – 2030. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 và 41 sắp tới, ASEAN sẽ hoàn thiện Kế hoạch tổng thể về phát triển nông thôn. ASEAN cũng đánh giá cao khuyến nghị chính sách và hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) cũng như các Điều phối viên thường trú và Cơ quan LHQ tại các quốc gia trong vấn đề này.
Về vấn đề xóa nghèo, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đánh giá đây là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của ASEAN. ASEAN đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong thực hiện các sáng kiến, chiến lược thúc đẩy hợp tác khu vực, phát triển bao trùm trong khu vực nông thôn và thành thị cũng như xóa nghèo, trong đó có Khuôn khổ hành động chiến lược về phát triển nông thôn và xóa nghèo 2021 – 2025, Triển vọng phát triển ASEAN và Diễn đàn nghiên cứu và phát triển hành động xóa nghèo thuộc Cộng đồng kinh tế Xã hội ASEAN. Trong quá trình này, việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, đề cao vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, phát triển nhân lực và và quan hệ đối tác công-tư sẽ là các công cụ quan trọng để tạo việc làm và xóa nghèo.
Là một trong số những khu vực có nguy cơ cao nhất trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định cam kết của ASEAN trong thực hiện Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu và thỏa thuận Paris, dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với khả năng và hoàn cảnh quốc gia. ASEAN sẽ tiếp tục cam kết mạnh mẽ, đóng góp vào các nỗ lực chung và hợp tác với cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững về xóa nghèo, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cho tất cả mọi người.