Bằng việc triển khai sớm các biện pháp can thiệp hiệu quả với chi phí thấp, công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Theo đó, Việt Nam đã duy trì được số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức thấp. Việt Nam cũng đang song song xây dựng các chính sách và quy định để hỗ trợ việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin được thực hiện nhanh chóng ngay khi có vắc xin Covid-19.
Đồng thời, Bộ Y tế hiện cũng đã chuẩn bị các căn cứ pháp lý để thúc đẩy các thủ tục thử nghiệm, cấp phép đăng ký lưu hành đối với vắc xin COVID-19.
Chia sẻ tại hội thảo giới thiệu vắc xin phòng chống Covid-19 sáng 30/9 tại Hà Nội, GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam xác định nếu không có vắc xin ngừa Covid-19, cuộc sống sẽ không thể trở lại bình thường như trước. Nhận thức được tầm quan trọng của vắc xin, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động về nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước cũng như tăng cường tiếp cận các nguồn vắc xin trên thế giới.
Với nguồn vắc xin bên ngoài, Việt Nam nằm trong 92 nước tham tham gia chương trình giải pháp tiếp cận vắc xin Covid-19 toàn cầu và được GAVI COVAX ACM cam kết hỗ trợ. Theo đó, tổ chức này sẽ cung ứng miễn phí vắc xin cho 20% dân số của các quốc gia thành viên.
Ngoài ra, Việt Nam đang tìm hiểu, liên hệ đặt mua vắc xin của Nga, Anh và Mỹ.
Các nhà nghiên cứu tại VABIOTECH tiêm thử vaccine COVID-19 trên chuột thí nghiệm. |
Trong nước, Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đưa nước ta trở thành một trong 42 quốc gia trên thế giới có thể sản xuất vắc xin gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) và Công ty TNHH MTV Vaccone và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị rút ngắn toàn bộ các quy trình hành chính, tuy nhiên quy trình về chuyên môn, khoa học phải tuân thủ tuyệt đối.
Tuy nhiên theo đánh giá, tốc độ nghiên cứu và sản xuất vắc xin trong nước chậm hơn so với thế giới.
Hai vắc xin của IVAC và VABIOTECH mới chuyển sang Mỹ để thử nghiệm lại giai đoạn 1, trong khi nhiều quốc gia khác đã thử nghiệm lâm sàng trên người cuối giai đoạn 3.
Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có ít nhất một nhà sản xuất tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, 3. Như vậy, nếu thử nghiệm giai đoạn 3 thành công, sớm nhất phải nửa cuối năm 2021, Việt Nam mới có vắc xin ngừa Covid-19 “made in Việt Nam”.
Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam mong muốn có thể sử dụng vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, đến ngày 24/9, có 187 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang triển khai nghiên cứu trên toàn thế giới, trong đó có 38 vắc xin đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng (9 vắc xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3; 3 vắc xin trong giai đoạn 3; 26 loại đang triển khai hoặc chuẩn bị triển khai giai đoạn I), 149 loại đang trong quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng.