Hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ phụ trách tài nguyên và môi trường, năng lượng, mỏ và kinh tế của Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và Australia, cùng lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và khu vực.
Trong thông điệp chào mừng ghi hình gửi tới hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản đề cao ý nghĩa của hội nghị, cho rằng đây là diễn đàn quan trọng thúc đẩy hợp tác khu vực nhằm phát triển và sử dụng công nghệ để giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững tại châu Á.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Môi trường Akihiro Nishimura của Nhật Bản đều khẳng định nước này sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, cung cấp hỗ trợ về tài chính và công nghệ, thúc đẩy hợp tác giữa các chính phủ và hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân để cùng đạt mục tiêu Cộng đồng chung châu Á về phát thải ròng bằng 0.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh sáng kiến của Chính phủ Nhật Bản tổ chức hội nghị ngay sau Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), cho rằng đây là diễn đàn quan trọng và phù hợp để thúc đẩy hợp tác liên chính phủ về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đóng góp vào phát triển bền vững trong khu vực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh con đường để đạt được các mục tiêu đề ra theo Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu hết sức chông gai, đòi hỏi trí tuệ, tinh thần hợp tác và tình đoàn kết cao, đồng thời khẳng định cần tăng cường hợp tác và kết nối giữa chính phủ với chính phủ, giữa chính phủ với doanh nghiệp, dùng đầu tư công để dẫn dắt tài chính tư trong bối cảnh tài chính tư là một nguồn lực quan trọng đối với các nỗ lực giảm phát thải. Phó Thủ tướng cũng cho rằng các nước cần đề ra một lộ trình giảm phát thải hết sức bài bản, thực tế, không phải bằng mọi giá vì còn cần tính đến các vấn đề kinh tế và xã hội.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đề cao cam kết và các nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong đó có thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và các đối tác khác.
Để triển khai kết quả hội nghị, biến các cam kết thành hành động cụ thể và thiết thực, phục vụ lợi ích chung của các nước trong khu vực, Phó Thủ tướng đã đưa ra một số sáng kiến quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị các nước tham dự hội nghị hợp tác cùng thiết lập các thể chế cụ thể như một thị trường tín chỉ carbon của khu vực, một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bởi công nghệ là chìa khoá để giảm phát thải đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng và bảo đảm Nhà nước, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận năng lượng sạch với giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành lập một quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mặt khác, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần dựa vào chuyển đổi số để tăng cường trao đổi, đối thoại về chính sách và kỹ thuật để các nước cùng có tiếng nói chung, qua đó tăng hiệu quả triển khai các biện pháp giảm phát thải, đồng thời bảo đảm thực hiện các mục tiêu kinh tế và xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất thông qua Tuyên bố chung về “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á”, trong đó đề ra những định hướng hợp tác trong thời gian tới về chuyển đổi năng lượng một cách bao trùm, công bằng, bền vững, bảo đảm khả năng chi trả tại khu vực châu Á.