Nhiều tháng nhập siêu
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố, ước tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng trước, xuất khẩu cũng đã giảm so với tháng Sáu. Như vậy là kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở một số địa phương, kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm.
Tuy vậy, tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng năm 2021, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD, chiếm 63,1%.
Trong khi đó, ước tính tháng 8/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 27,5 tỷ USD, giảm 5,5% so với tháng trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%.
Tổng cục Thống kê cho biết, trong 8 tháng năm 2021 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Với chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa như vậy, Việt Nam tiếp tục có nhập siêu. Con số của tháng Bảy là 1,25 tỷ USD, tháng Tám ước 1,3 tỷ USD. Bảy tháng, nền kinh tế nhập siêu 2,41 tỷ USD, còn 8 tháng, con số ước tính là 3,71 tỷ USD.
Đây là diễn biến hoàn toàn trái ngược với năm ngoái. Cùng kỳ năm 2020, cả nước xuất siêu tới 13,69 tỷ USD.
Khiến nền kinh tế nhập siêu lớn trong 8 tháng qua tiếp tục là khu vực trong nước, với mức nhập siêu lên tới 20,36 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 8 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỷ USD, tăng 27,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 107,56 tỷ USD, tăng 41,6%. Trong khi đó, nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24%.
Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang EU 15,1 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 39,8 tỷ USD, tăng 81%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20,7 tỷ USD, tăng 28,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,8 tỷ USD, tăng 133,4%.
Sản xuất công nghiệp: miền Nam giảm, miền Bắc tăng
Không nằm ngoài dự báo, sản xuất công nghiệp trong tháng Tám chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến, chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng cho khu vực này, giảm tới 9,2% trong tháng 8.
Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019, và cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng xấp xỉ 10% của thời điểm trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát.
Cũng vì dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên sản xuất bị đình trệ, dẫn đến IIP giảm mạnh trong tháng Tám.
Trong đó, đáng chú ý, IIP của TP.HCM giảm tới 49,2% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%.
Tương tự, IIP tháng Tám của Vĩnh Long giảm 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%.
Bình Dương và Đồng Nai, hai tỉnh có đóng góp lớn cho sản xuất công nghiệp của cả nước cũng giảm, lần lượt là 12,6% và 13,3%.
Ngược lại, một số địa phương vẫn có chỉ số IIP tăng. Chẳng hạn, Hải Phòng tăng 21,2%; Hà Nam tăng 18,5%; Hải Dương tăng 17,8%; Quảng Ninh tăng 17,5%; Thái Bình tăng 15,8%; Nghệ An tăng 14,9%...
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng, ngành chế biến, chế tạo tăng 7% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,7%), đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Có thể kể một số sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, thép cán (tăng 48,3%); linh kiện điện thoại (tăng 43,9%); ô tô (tăng 27,9%); sắt, thép thô (tăng 13,7%); điện thoại di động (tăng 10%)…
Tuy nhiên, một số sản phẩm lại giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, sản xuất tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; đường kính giảm 9,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%...
Tại thời điểm 1/8/2021, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 5,3% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 10,6% so với cùng thời điểm năm trước.
Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,8% so với tháng trước và giảm 4,3% so với cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 5,6% và giảm 9,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6% và giảm 12%.