Những ngày qua, dư luận đặt vấn đề dự án thay thế quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên trên đảo Trí Nguyên bằng muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia (hạn chế sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết) liệu có mang vi rút Zika hay không? Đây là dự án do nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã hợp tác với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà và các nhà khoa học của Đại học Monash (Australia) thực hiện, bắt đầu nghiên cứu về vi khuẩn Wolbachia từ năm 2006 trong khuôn khổ của Dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, được triển khai trên địa bàn đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).
Liên quan đến vấn đề này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã vừa thông tin chính thức loại muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn tự nhiên) mang tác nhân sinh học Wolbachia đang nuôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa không chỉ có khả năng loại trừ bệnh sốt xuất huyết mà còn có khả năng ức chế virus Zika.
Qua nghiên cứu, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết loại muỗi Aedes aegypti tự nhiên có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước có thể truyền vi rút Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), vi rút Chikungunya cũng như vi rút Zika khi chúng hút máu người bệnh có vi rút nêu trên.
Mặc dù vậy, loại muỗi này chỉ đóng vai trò trung gian truyền bệnh do vi-rút từ người sang người chứ không làm “phát sinh” ra bất cứ loại virút nào. Muỗi Aedes aegypti chỉ bị nhiễm vi-rút khi chúng hút máu người bị nhiễm vi-rút; và muỗi không truyền vi-rút cho thế hệ sau. Hiện nay công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng, chống chủ yếu có hiệu quả là dựa vào kiểm soát muỗi truyền bệnh.
Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu nhân nuôi thành công muỗi Aedes aegypti của địa phương đảo Trí Nguyên mang vi khuẩn Wolbachia từ năm 2006 đến năm 2011 và đặc biệt qua đánh giá của các hội đồng khoa học về tính an toàn của phương pháp này, muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia đã được sử dụng tại các hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên trong hai đợt, tháng 4-9/2013 và tháng 5-11/2014. Đến nay muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia vẫn tự duy trì trên đảo và truyền khả năng phòng bệnh (vi khuẩnWolbachia) cho các thế hệ muỗi sau qua con đường sinh sản tự nhiên.
Không chỉ vậy, trong một số nghiên cứu mới đây cho thấy muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia còn có khả năng ức chế sự phát triển của vi rút Chikungunya và vi rút Zika. Bởi vậy có thể sử dụng loại muỗi nuôi này để hạn chế sự phát triển của virus Zika.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là một phương pháp mới có nhiều triển vọng trong phòng ngừa lây truyền Zika.
Loại muỗi Aedes aegypti nuôi thử nghiệm tại đảo Trí Nguyên, Khánh Hòa có khả năng ức chế virus Zika.
“Virus Zika và virus sốt xuất huyết cùng 1 loại muỗi truyền bệnh đó là Aedes aegypti, loại muỗi này khi không phát triển thì nó sẽ phòng chống được cả 2 bệnh. Tới đây, chúng tôi phối hợp với tỉnh, mở rộng địa bàn thử nghiệm từ đảo Trí Nguyên đưa muỗi vào đất liền để có thể triển khai ở trên đất liền. Trên cơ sở đó đánh giá, có thể nhân rộng mô hình này ra cho nhiều tỉnh, thành phố khác”, ông Long khẳng định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định: “Trước khi triển khai thí điểm tại các thực địa ở Australia và Việt Nam, các nhà khoa học hàng đầu và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đã tiến hành đánh giá một cách toàn diện các nguy cơ có thể xảy ra khi sử dụng phương pháp Wolbachia.
Kết luận của hội đồng đánh giá về các nguy cơ này cho thấy đây là phương pháp an toàn cho con người, động vật và môi trường”.
Hiện tại các nhà khoa học Việt Nam và Australia vẫn đang tiếp tục theo dõi, phân tích và đánh giá kết quả nghiên cứu. Hy vọng nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng, chống SXHD và một số bệnh lây truyền qua muỗi Aedes aegypti ở nước ta trong thời gian tới.
Nha Trang (th)