Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73

Kỳ họp trực tuyến Đại hội đồng Y tế Thế giới 73 diễn ra ngày 18-19/5 trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế tham dự hội nghị.
Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 ảnh 1

Trụ sở WHO tại Geneva, Thụy Sỹ

Được sự đồng ý của lãnh đạo Chính phủ, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đã cùng lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị có liên quan tham dự kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới (WHA-73) được tổ chức từ ngày 18/5–19/5/2020.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên chương trình nghị sự của Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới đã được rút gọn tối đa so với chương trình nghị sự dự kiến được thông qua tại các cuộc họp trước đó. Chương trình nghị sự của Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới chủ yếu tập trung vào chủ đề chuẩn bị và ứng phó với đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên dự họp cũng tham gia bỏ phiếu để lựa chọn các thành viên chính thức thay thế các thành viên đã hết nhiệm kỳ tại Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Y tế (WHO). Trong khu vực Tây Thái Bình Dương nơi Việt Nam là quốc gia thành viên của WHO, Hàn Quốc đã được bầu làm thành viên chính thức tại Hội đồng Chấp hành của WHO, thay thế cho Nhật Bản sẽ hết nhiệm kỳ trong năm 2020.

Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 ảnh 2

Thứ trưởng Y tế  Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu tại hội nghị

Các nguyên thủ thế giới tham dự và phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần này gồm có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Các nguyên thủ thế giới cho biết đây là lúc cả thế giới cùng chung tay đoàn kết đẩy lùi đại dịch thông qua thúc đẩy tiến bộ công nghệ như vắc-xin và liệu pháp điều trị COVID-19 đồng thời cam kết sẽ tài trợ cho quỹ phòng chống COVID-19 thông qua WHO, GAVI (Liên minh tiêm chủng toàn cầu) và các tổ chức đa phương khác để đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với xét nghiệm, điều trị và nguồn cung vắc-xin một khi vắc-xin ngừa COVID-19 ra đời.

Phát biểu trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đã gửi trang thiết bị y tế tới 50 nước châu Phi và cử chuyên gia y tế tới châu Phi để hỗ trợ và tư vấn chống dịch COVID-19. Trung Quốc hiện đang nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 và sẽ ưu tiên nguồn cung vắc-xin cho các nước đang phát triển.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu cần phải củng cố nâng cao khả năng ứng phó trước đại dịch. Châu Âu sẽ đầu tư hàng tỷ euro để củng cố vững chắc mạng lưới ứng phó trước các tình huống khẩn cấp và quản lý khủng hoảng. Đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, đòi hỏi trách nhiệm và hành động của tất cả các thành viên. Tổng thống Pháp cũng cho biết cần ưu tiên các quỹ đặc biệt để hỗ trợ các nước nghèo trên thế giới, cần hỗ trợ tài chính cho các tổ chức quốc tế nhằm đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Khi vắc-xin ra đời cần có sự hỗ trợ toàn cầu để mọi người đều có thể tiếp cận được vắc-xin ngừa COVID-19.

Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 ảnh 3

Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại kỳ họp trực tuyến Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng chúng ta đang trải qua khủng hoảng toàn cầu. Đại dịch đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Đại dịch gần như đã ảnh hưởng tới mọi quốc gia, vì vậy mà tất cả chúng ta cần đoàn kết để cùng nhau tìm ra giải pháp. Chúng ta cần phải củng cố hệ thống y tế một cách bền vững. Cần phải tìm ra giải pháp để không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trở lại.

Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 ảnh 4

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ chia buồn sâu sắc tới những nạn nhân thiệt mạng do COVID-19. Nếu không sớm cho ra đời thuốc hay vắc-xin ngừa COVID-19, ông lo ngại về làn sóng mới có thể xảy ra. Tổng thống Hàn Quốc đưa ra 3 đề xuất, đó là thế giới cần mở rộng trợ giúp lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác cùng nhau, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Hàn Quốc cũng cam kết tài trợ 100 triệu USD cho các hoạt động ứng phó với dịch COVID-19 trên toàn cầu. Ông bày tỏ niềm tin cùng đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau và cam kết mạnh mẽ, thế giới sẽ cùng nhau vượt qua khủng hoảng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros trong bài phát biểu của mình đã ngợi ca sự nỗ lực của các nhân viên y tế nhằm cứu mạng các bệnh nhân COVID-19. Ông cho biết hiện toàn thế giới đang thiếu 6 triệu y tá/điều dưỡng/nữ hộ sinh. Hơn bao giờ hết, thế giới cần phải lấp đầy khoảng trống này. Tổng Giám đốc WHO và toàn thể Đại hội đồng Y tế Thế giới đã cùng nhau đứng dậy, vỗ tay không ngớt để biểu dương sự đóng góp không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên y tế toàn cầu trong mặt trận phòng chống COVID-19.

Việt Nam tham dự kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 ảnh 5

Tổng Giám đốc WHO Tedros biểu dương sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên y tế toàn cầu trên mặt trận phòng chống COVID-19

Tổng Giám đốc WHO nhận định đại dịch COVID-19 đang thử thách mối quan hệ mật thiết giữa các quốc gia. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công bằng hơn. Đây là lúc toàn thế giới trở nên đoàn kết hơn, chúng ta cần một Tổ chức Y tế Thế giới vững mạnh hơn để đảm bảo bao phủ sức khỏe toàn dân, sức khỏe cho tất cả mọi người.

Đại diện cho Việt Nam, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có bài phát biểu về công tác phòng chống và ứng phó với đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long, với quyết tâm chính trị cao “coi chống dịch như chống giặc”, Chính phủ việt Nam đã kiên quyết thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều biện pháp. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch COVID-19 đã được thành lập với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị và có sự phối hợp liên ngành. Trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện xuyên suốt và hiệu quả 4 chiến lược: Ngăn ngừa – Phát hiện – Cách ly và Dập dịch với sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương để chỉ đạo và huy động các nguồn lực tại chỗ để phòng, chống dịch. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng tự hào chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh, trong đó không ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Việt Nam đã tích cực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, luôn luôn đảm bảo sự minh bạch về thông tin với WHO và các quốc gia khác trên thế giới thông qua thông qua cơ quan đầu mối về Điều lệ Y tế quốc tế (IHR – International Health Regulations).

Việt Nam cũng đánh giá cao hỗ trợ kỹ thuật của WHO trong phòng, chống đại dịch COVID-19 thông qua việc ban hành các khuyến nghị và tài liệu kỹ thuật liên quan đến điều trị, giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn, xét nghiệm... cũng như tổ chức các hội nghị trực tuyến để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong phòng, chống đại dịch COVID-19.

Tại Kỳ họp trực tuyến lần thứ 73 Đại Hội đồng Y tế Thế giới, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Thanh Long đã kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là đại dịch COVID-19. Bên canh đó, Việt Nam cũng kêu gọi tăng cường hơn nữa các cơ chế đối thoại và hợp tác để ứng phó với đại dịch COVID-19 và giải quyết các thách thức chung cho hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.

Mặc dù đại dịch COVID-19 gây ra nhiều thiệt hại to lớn cho các quốc gia trên thế giới nhưng đây cũng là cơ hội để các quốc gia xem xét lại năng lực của mình theo yêu cầu của IHR (2005) bao gồm chính sách, giám sát, đánh giá rủi ro, phòng thí nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, quản lý lâm sàng, truyền thông rủi ro và tài nguyên để đưa ra các khuyến nghị nhằm tăng cường các năng lực trên trong thời gian tới, Thứ trưởng chia sẻ.

Theo Sức khỏe & Đời sống
Bình luận
Vingroup phát động chiến dịch 'Vì Thủ đô trong xanh' - Kêu gọi người dân chung tay giảm phát thải
Vingroup phát động chiến dịch 'Vì Thủ đô trong xanh' - Kêu gọi người dân chung tay giảm phát thải
(Ngày Nay) - Tập đoàn Vingroup cùng các công ty trong hệ sinh thái phát động chiến dịch “Vì Thủ đô trong xanh”, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức về môi trường và chung tay giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Với vai trò tiên phong, Vingroup công bố chương trình hành động quyết liệt và cụ thể các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực giao thông đô thị.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn
Hạnh phúc là một sự lựa chọn
(Ngày Nay) - Hạnh phúc không phải là điều hoàn hảo, mà là cách chúng ta đối diện với những khó khăn, đón nhận và trân trọng những điều đơn giản như niềm vui trong cuộc sống hàng ngày.
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
VinFast ra mắt dòng sản phẩm Green đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải
(Ngày Nay) - VinFast công bố dòng ô tô điện Green được thiết kế riêng, đặc biệt tối ưu cho kinh doanh dịch vụ vận tải, gồm 4 mẫu xe thuộc các phân khúc khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong đó, có hai mẫu xe hoàn toàn mới, lần đầu tiên ra mắt thị trường là Minio Green - xe cỡ nhỏ đô thị và Limo Green - xe 7 chỗ với 3 hàng ghế thoải mái.