Báo điện tử VOV đưa tin, lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 cùng Lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam đã diễn ra vào tối 4/11, tại thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Tại buổi lễ, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chính thức trao chiếc búa của Chủ tịch ASEAN năm 2020 cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan với niềm tự hào và sẽ thực hiện giấc mơ của ASEAN về việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì hòa bình ổn định, tự do, an ninh và thịnh vượng trong khu vực, cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói.
Ông Prayut Chan-o-cha cũng cảm ơn sự ủng hộ của ASEAN và các đối tác giúp Thái Lan thực hiện thành công nhiệm vụ chủ tịch ASEAN năm 2019. Theo Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, chủ đề mà Thái Lan đưa ra trong năm nay có thể giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như đối tác để giải quyết các thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, đảm bảo sự phát triển ổn định và kinh tế bền vững của ASEAN trên những nguyên tắc cơ bản của khối.
Cũng trong buổi lễ này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là Chủ đề của năm ASEAN 2020.
“Hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một Cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giơ cao búa Chủ tịch ASEAN (Ảnh: Reuters) |
Tại buổi lễ, logo năm ASEAN 2020 và video ngắn giới thiệu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã được trình chiếu.
Lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 là hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị cấp cao liên quan, diễn ra từ ngày 2-4/11 tại Thái Lan. Các nhà lãnh đạo và đại diện của hơn 20 quốc gia đã tham dự các sự kiện này.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 và phát triển dần thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á.
ASEAN đã chính thức trở thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015 với mục tiêu trở thành một Cộng đồng “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, chia sẻ các trách nhiệm xã hội, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 , đồng thời phát huy vai trò trung tâm trong một trật tự khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, nhằm mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển tại khu vực.
Năm 2019 ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết dưới tinh thần chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” với mục tiêu gia tăng tính bền vững trên cả 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, gắn kết các mục tiêu phát triển của ASEAN với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; đẩy mạnh quan hệ đối tác, mở rộng kết nối và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng của ASEAN trước các biến động của tình hình, tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0...
Theo luân phiên, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và cũng là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, theo báo Dân Trí.