Việt Nam - Trung Quốc cần phải làm gì để kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông?

(Ngày Nay) - Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu quan ngại về tình hình Biển Đông với Ngoại trưởng Trung Quốc, đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển.

Vấn đề biên giới lãnh thổ trên đất liền và trên biển được thảo luận hôm qua (21/7) trong hội nghị trực tuyến phiên họp lần thứ 12 ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đồng chủ trì, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Hai bên ghi nhận những kết quả đạt được trong 10 cuộc đàm phán liên quan đến phân định và hợp tác cùng phát triển trên biển, được tiến hành từ sau phiên họp lần thứ 11 của ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, cũng như các thành quả về hợp tác trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển.

Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt trong vấn đề này. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây, đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất.

Hai nước đánh giá tình hình biên giới trên đất liền cơ bản ổn định, đường biên, mốc giới và các cặp cửa khẩu được quản lý tốt, thúc đẩy hoạt động kinh tế biên giới, kể cả trong thời gian COVID-19 diễn biến phức tạp. Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, nghiêm túc tuân thủ các quy định của ba văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền cùng những thỏa thuận liên quan.

Quan hệ Việt - Trung về tổng thể được đánh giá đã duy trì xu thế phát triển tích cực. Tuy bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hợp tác thương mại Việt - Trung 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng 4,5%. Nhiều mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, như sữa, măng cụt, đã đến với thị trường Trung Quốc. FDI của Trung Quốc tại Việt Nam năm ngoái có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ 7/132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hai bên cũng hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong phòng chống COVID-19.

Việt Nam - Trung Quốc cần phải làm gì để kiểm soát tốt bất đồng trên Biển Đông? ảnh 1

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp. - Ảnh: Thế giới & Việt Nam

Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước vẫn còn một số vấn đề tồn tại, như nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc, một số dự án do Trung Quốc đầu tư, nhận thầu ở Việt Nam và việc triển khai các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam tiến triển còn chậm.

Tại Hội nghị, hai bên đi sâu trao đổi và xác định một số trọng tâm công tác thời gian tới nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển bền vững. 

Hai bên nhất trí thúc đẩy tổ chức các chuyến thăm cấp cao khi điều kiện cho phép và duy trì tiếp xúc với hình thức phù hợp khi tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp; triển khai hiệu quả hợp tác giữa hai Đảng; phát huy vai trò quan trọng của hai Bộ Ngoại giao trong việc điều phối, thúc đẩy quan hệ hai nước; 

Triển khai tốt các cơ chế giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật; trao đổi kinh nghiệm và triển khai hợp tác về phòng chống dịch COVID-19, nối lại các chuyến bay thương mại, tạo thuận lợi cho việc qua lại về người và hàng hóa; tiếp tục triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt - Trung, trong đó có thương mại biên giới được triển khai thuận lợi; nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, nhất là nông sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; chỉ đạo giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng tại một số dự án hợp tác.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định sẽ thúc đẩy các cơ quan chủ quản xem xét tích cực các đề xuất của Việt Nam. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp, y tế; mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.