Quan hệ hợp tác Việt Nam và UNESCO đi vào chiều sâu
Năm 2019 vừa qua là năm cuối cùng Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019, đây là giai đoạn thế giới chứng kiến sự lên ngôi của chủ nghĩa đơn phương, chính sách bảo hộ, cạnh tranh giữa các nước lớn là suy giảm lòng tin vào chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục đóng góp các vấn đề quan trọng của tổ chức, khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm tại UNESCO, tiếp thu và nỗ lực thúc đẩy các chương trình, sáng kiến của UNESCO về văn hóa, khoa học tự nhiên, giáo dục và thông tin trong nước.
Ngoài ra, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các UBQG UNESCO Việt Nam trong việc hoạch định chiến lược và triển khai các hoạt động cụ thể.
Theo ông Mai Phan Dũng – Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao), quan hệ Việt Nam-UNESCO ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện và hiệu quả, góp phần tận dụng sự hỗ trợ, tri thức của UNESCO - tổ chức được mệnh danh là "Phòng thí nghiệm các ý tưởng", trong việc xây dựng chính sách, triển khai các hoạt động hợp tác.
ông Mai Phan Dũng – Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO phát biểu tại hội nghị. |
“Hiện tại quan hệ hai bên rất tốt đẹp và xuất phát từ hai chiều, toàn bộ 5 lĩnh vực chính của UNESCO (giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và thông tin truyền thông) đều là những lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên và trân trọng”, ông Dũng phát biểu. “Việt Nam thực hiện trách nhiệm kép mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu tại Liên Hợp Quốc, nước ta đã phát huy vai trò tích cực, chủ động tại UNESCO đóng góp vào những vấn đề quan trọng mà các nước thành viên quan tâm, góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam tại UNESCO và trên trường quốc tế, bảo vệ lợi ích của Việt Nam”.
Đáng chú ý, trong năm 2019 UBQG UNESCO Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan vận động thành công UNESCO đưa Hà Nội vào “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo”, ghi danh hồ sơ “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việt Nam cũng đã nộp hồ sơ mới liên quan đến Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, nghiên cứu hồ sơ Vịnh Hạ Long-Cát Bà mở rộng; Khu di tích Tây Yên Tử, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ…
Phương hướng hợp tác trong năm 2020
Theo ông Mai Phan Dũng, trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tham gia, đóng góp tích cực vào việc cải cách và triển khai hoạt động thực tiễn của UNESCO, nâng cao và phát huy hình ảnh, vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn UNESCO.
UBQG UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò điều phối, hỗ trợ, giám sát các hoạt động của các Tiểu ban, các địa phương trong khuôn khổ ợp tác với UNESCO, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của các cơ quan chức năng đối với công tác UNESCO.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục tận dụng ý tưởng, chất xám của UNESCO nhằm phục vụ phát triển đất nước, đóng góp cho các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO.
Đặc biệt, UBQG UNESCO Việt Nam sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao nhận thức về ý nghĩa của các chương trình, hoạt động UNESCO, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh hiệu di sản, theo dõi và vận động cho hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” và hồ sơ “Nghệ thuật Xòe Thái” lần lượt ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Về phía Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, ông Michael Croft thông báo trong giai đoạn 2020-2021 Văn phòng sẽ triển khai Chiến lược Hợp tác đối tác vì sự tiến bộ của xã hội.
Chiến lược của Văn phòng đại diện UNESCO sẽ có 4 chủ đề, bao gồm: Học tập vì tương lai; Khoa học và sự phát triển bền vững; Đặt văn hóa ở trung tâm của sự phát triển; Thúc đẩy phát triển xã hội qua truyền thông.
Ông Michael Croft (giữa) - Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội. |
Nhấn mạnh về vai trò của truyền thông trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, ông Croft cho biết thế giới hiện nay đang trong tình cảnh hết sức phức tạp, cùng với đó là sự nổi lên của mạng xã hội thì báo chí và truyền thông cũng không ngừng thay đổi để thích ứng.
“Truyền thông là một trong những mối quan tâm của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, bởi đây là một thế mạnh và cũng là một lĩnh vực chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Việt Nam. Trước cơn bão tin giả cùng với sự nổi lên của mạng xã hội, UNESCO sẵn sàng hợp tác với báo chí để cùng nhau cung cấp thông tin chính xác và gây dựng niềm tin cho cộng đồng”, ông Croft nói. “UNESCO không đặt mục tiêu tự giải quyết tất cả các thách thức mà cộng đồng tại Việt Nam phải đối mặt, mà chúng tôi sẽ cùng các đối tác trong nước chung tay giải quyết các thách thức trong từng lĩnh vực cụ thể”.
Kết thúc bài phát biểu, ông Croft nhấn mạnh rằng tất cả các chương trình, dự án của UNESCO đều tập trung vào giới trẻ - những người có nhiều năng lượng, nhiệt huyết và sức sáng tạo để thay đổi các lĩnh vực, vấn đề mà cộng đồng quan tâm.