Ngày 3/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (SARS-CoV-2) đã họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. - Ảnh: VGP. |
Liên quan đến triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về cách ly xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là giải pháp quan trọng, rất kịp thời và đúng thời điểm để ngăn chặn triệt để lây nhiễm trong cộng đồng. Bản chất chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là giãn cách xã hội.
Đặc biệt chỉ thị có hiệu lực trong vòng 15 ngày (từ 1 đến 15/4), là khoảng "thời gian vàng" để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Nếu quyết liệt cách ly xã hội, cách ly người với người thì chúng ta sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân.
Tuy nhiên đây là biện pháp mới, nên khi triển khai thực thi, một số địa phương lúng túng, thực hiện chưa thống nhất, thậm chí còn làm hơi quá… Vì vậy Bộ Y tế đã phối hợp, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Bộ Y tế nêu rõ cách ly xã hội không phải là ngăn cấm giao thông, "ngăn sông cấm chợ", chưa phải phong tỏa xã hội; chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn - nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hóa xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, sản xuất và kinh tế, xã hội. Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh sẽ đưa ra các khuyến cáo, yêu cầu ở mức độ phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội và duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 của ngành y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long. - Ảnh: VGP. |
Về tình hình ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đã rà soát được toàn bộ số lượng các y bác sĩ, bệnh nhân và những người liên quan có khả năng nhiễm bệnh, qua đó tổ chức cách ly, xét nghiệm… Đến nay, cơ bản tình hình đã nằm trong tầm kiểm soát.
Bộ Y tế đã hỗ trợ Hà Nội lấy mẫu 1.900 trường hợp, đã xét nghiệm gần 1.000 trường hợp, tất cả đều cho kết quả âm tính. Hà Nội cũng đã triển khai xét nghiệm nhanh (khoảng 2.000 trường hợp) qua đó phát hiện một số trường hợp dương tính, tuy nhiên sau khi xét nghiệm lại (bằng máy theo phương pháp PCR) đã cho kết quả âm tính.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị các địa phương bố trí địa điểm để các y bác sĩ, nhân viên y tế sau khi làm nhiệm vụ về nghỉ ngơi.
Đối với các trường hợp vào khám bệnh tại các cơ sở y tế mà có triệu chứng với Covid-19 thì tổ chức test nhanh để kịp thời sàng lọc, phân loại…
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thêm Bộ đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống tư vấn y tế trực tuyến cho các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài; hệ thống tư vấn, khám bệnh trực tuyến thống nhất trên cả nước.
Bộ Y tế cũng đã trao đổi, hợp tác, tham khảo kinh nghiệm điều trị với một số nước; đồng thời tiến hành chuẩn bị trang biết bị y tế, đồ bảo hộ… để hỗ trợ một số quốc gia láng giềng.
Bên cạnh việc cơ bản bảo đảm sản xuất khẩu trang y tế, các trang thiết bị bảo hộ, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất máy thở, Ban Chỉ đạo cũng lưu ý cần tính toán sản xuất một số trang thiết bị đơn giản hơn nhưng vẫn phát huy được tác dụng tích cực trong điều trị.