Hội đồng bình chọn của giải thưởng gồm đại diện các tổ chức tín dụng, ngân hàng và các công ty quản lý quỹ hàng đầu trên thế giới đã đánh giá VPBank là ngân hàng gây ấn tượng mạnh nhất với thế mạnh về nền tảng công nghệ nội bộ tiên tiến cùng với hệ thống quản lý rủi ro vững chắc, góp phần cung cấp những dịch vụ hàng đầu cho các khách hàng tại Thị trường Việt Nam.
Hội đồng bình chọn đánh giá cao hệ thống quản lý rủi ro vững chắc của ngân hàng trong bối cảnh nâng cao nhu cầu chuyển đổi linh hoạt để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” sau đại dịch COVID – 19, các điều kiện kinh tế - chính trị toàn cầu không ổn định do căng thẳng địa chính trị và chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu. So với cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của ngân hàng tăng 14,3% lên hơn 98.583 tỷ đồng, củng cố nền tảng vững chắc cho ngân hàng.
Theo đó, nhờ nguồn vốn dồi dào, tính tới 6/2022, hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II của ngân hàng hợp nhất đạt 14,3%, vượt xa mức yêu cầu của NHNN là 8% và tiệm cận với các ngân hàng hàng đầu khu vực. Lượng vốn lớn giúp VPBank củng cố năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động và có cơ sở để nắm lấy các cơ hội kinh doanh trong các phân khúc chiến lược.
Song song với việc tuân thủ các quy định về quản lý rủi ro trong nước, VPBank còn tập trung vào áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao quy trình quản trị rủi ro. VPBank tự hào là ngân hàng đầu tiên tại thị trường trong nước triển khai toàn diện Basel III về quản lý rủi ro thanh khoản trong hoạt động quản lý hàng ngày bằng cách phát triển phương pháp luận và công cụ tính toán để theo dõi hai chỉ số: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản (LCR) và Tỷ lệ quỹ ổn định ròng (NSFR).
Với những thành tựu đã đạt được trong việc duy trì hoạt động an toàn, mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã đánh giá cao hệ số an toàn vốn của ngân hàng khi xếp hạng tín nhiệm cơ sở của VPBank ở mức Ba3, tương đương mức trần quốc gia của Việt Nam. Moody's khẳng định chất lượng tài sản của VPBank sẽ ổn định trong 12-18 tháng tới nhờ hoạt động kinh tế phục hồi.
Đặc biệt, Hội đồng bình chọn đánh giá cao chiến lược của ngân hàng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển công nghệ mới bằng chính nguồn lực nội bộ. Về cơ bản, hội đồng bình chọn rất ấn tượng với khả năng của VPBank trong việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy tăng trưởng cho ngân hàng – điển hình trên thị trường cho vay mua ô tô. Theo đó, việc số hóa quy trình phê duyệt và thẩm định, nâng cao trải nghiệm khách hàng đã giúp VPBank gia tăng đáng kể số lượng khách hàng. Đến cuối năm 2021, 90% danh mục tín chấp khách hàng cá nhân được giải ngân qua kênh số hóa, trong đó 75% danh mục cho vay mua ô tô giải ngân qua Race App, giúp ngân hàng dẫn đầu về doanh số giải ngân cho khoản vay mua ô tô trong nhóm các ngân hàng cổ phần.
Nhờ ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong các hoạt động của ngân hàng, tính đến thời điểm giữa năm 2022, VPBank có tỷ lệ chi phí tính trên thu nhập (CIR) thấp nhất thị trường, chỉ 20,6%. Các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn tính trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt là 3,5% và 23,4%, cho thấy VPBank là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh đó, với nhận thức cao về rủi ro tài chính của biến đổi khí hậu, ngân hàng đã xây dựng chiến lược quản trị các rủi ro Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để tích hợp các khía cạnh của ESG vào khung quản trị rủi ro hiện tại. Tính đến tháng 8/2022, thông qua việc tiếp cận các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Công bố thông tin tài chính liên quan đến khí hậu, VPBank đã trở thành tổ chức tài chính đầu tiên tại Việt Nam công bố tác động tài chính của biến đổi khí hậu dựa trên phân tích kịch bản, từ đó lên lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục đầu tư tập trung vào những ngành thân thiện với môi trường và có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.