Liên quan đến vụ bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình), trưa 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, sáng nay, các đơn vị cứu hộ vẫn đang duy trì thực hiện các biện pháp khoan guồng xoắn như ban đầu. Có những cọc đã khoan xuống độ sâu 34 - 35 m ngang với đáy cọc nơi bé Thái Lý Hạo Nam bị tai nạn.
Bắt đầu từ đêm qua, đội cứu hộ đã áp dụng thêm phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất, kết hợp cùng khoan guồng xoắn theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong. Tuy nhiên, do đất quá rắn và chặt nên kỹ thuật này chưa phát huy được hiệu quả. Do đó, lực lượng cứu hộ tạm dừng để ưu tiên triển khai khoan bằng kỹ thuật guồng xoắn bằng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn.
“Hiện tại đã có mũi khoan chạm tới đáy cọc. Phần đất còn lại quanh trụ sẽ tiếp áp dụng khoan guồng xoắn làm tan rã đất, giảm áp lực ma sát tối đa và phương pháp này đang ưu tiên cứu hộ”, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết.
Theo ông Bửu, dự kiến trong chiều nay đội cứu hộ sẽ phá vỡ, làm tan rã nốt phần đất còn lại trong lồng ống có đường kính 1,6m (bao quanh cọc bê tông nơi bé Nam rơi xuống) để giảm ma sát giữa đất cọc bê tông, giúp việc kéo cọc lên dễ dàng hơn. Dự kiến cuối hôm nay sẽ đưa được cọc bê tông lên mặt đất để triển khai các phương án cứu hộ tiếp theo.
Tính đến thời điểm này, đã hơn 4 ngày bé Hạo Nam bị kẹt trong cọc bê tông khi rơi xuống vào khoảng 11h30p trưa ngày 31/12/2022. Các lực lượng cứu hộ vẫn đang miệt mài bất kể ngày đêm để giải cứu bé Nam trong thời gian sớm nhất.
“Các lực lượng thi công công trình, phòng cháy chữa cháy, công binh Quân khu 9 đã diễn tập sơ bộ phương án cưa cắt, cứu hộ để bảo đảm công tác cứu người liên tục, khẩn trương và đạt tốc độ tốt nhất”, ông Bửu cho biết.
Cũng trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê tông.