Một người lính, 2 màu áo

(Ngày Nay) - Có một người lính đặc biệt đã mặc hai sắc quân phục của cả quân đội VNCH và QĐND Việt Nam, trước và sau năm 1975. Một lần bị bắt đi quân dịch, một lần để bảo vệ lợi ích dân tộc, ông nói.
Thượng sỹ Nguyễn Trọng Đức tại chiến trường Campuchia
Thượng sỹ Nguyễn Trọng Đức tại chiến trường Campuchia

Hai màu áo lính

Siem Riep, cuối năm 1979, nơi đoàn 7705 đóng quân. Những cuộc tập kích của Khmer Đỏ vẫn liên tục được thực hiện trong đêm. Trong vùng “xôi đậu” phía Tây Campuchia này, có nhiều kẻ ban ngày là người dân Campuchia ban đêm bỗng thoắt trở thành quân Pol Pot.

Trong đơn vị hồi ấy, có một người bộ đội được đàn em nể phục vì kỹ năng chiến đấu. Đấy là người duy nhất đã quen với súng đạn từ trước khi được tổng động viên đi chiến trường Campuchia. Anh ta, là một cựu binh Việt Nam Cộng Hòa.

“Mình bò dưới hàng rào dây thép gai, rồi ở trên nó lấy súng máy xả đạn rẹt rẹt vầy” - sau này, ông Đức nhớ lại lần đầu tiên ở Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Quang Trung, nơi đào tạo tân binh cho quân lực VNCH. “Đạn đó của Mỹ mà, bắn thoải mái, còn bộ đội mình huấn luyện phải tiết kiệm súng đạn lắm”.

Ông Nguyễn Trọng Đức là một trong số những người hiếm hoi đã đi qua hai cuộc chiến với tư cách người lính của cả hai chế độ. Ông đã cầm cả M16 và AK47, đã mặc cả áo Biệt động quân có hình “con cọp nước tương” và đội mũ cối có in sao vàng.

Một người lính, 2 màu áo ảnh 1Tấm huân chương Chiến sỹ vẻ vang vẫn được ông Đức giữ kỹ

Tháng 8/1974, chàng trai trẻ có 6 đứa em nheo nhóc đang đi làm thợ sơn nuôi gia đình, thì bị bắt đi quân dịch. Trải qua 3 tháng ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, rồi gia nhập Biệt động quân. Chưa kịp bắn viên đạn nào thì đã giải phóng.

Thời ấy, có rất nhiều người lính VNCH ra trận mà không bắn một viên đạn nào. Chiến dịch Mùa Xuân 1975 diễn ra quá nhanh và rất nhiều cứ điểm của phía VNCH không thể có dù chỉ một chút kháng cự.

Ông Đức vẫn nhớ ngày quân giải phóng tiến vào. Có lo lắng. “Giai đoạn ấy ai chẳng tâm lý” – người lính VNCH kể. “Nhưng mà cũng vui lắm. Không phải trốn quân dịch nữa, không còn ai bắt mình cầm súng nữa”. Hôm ấy, ông Đức cũng ra đường, cũng vẫy cờ. Từ giờ ông lại được đi làm nuôi mẹ già và bầy em nhỏ.

Sau năm 1975, Đức lại đạp xích lô nuôi gia đình. Nhưng rồi kẻ thù lại bắt chàng trai trẻ phải cầm súng lần nữa. “Nó ác quá trời” – ông Đức vẫn nhớ cảm giác khi nghe tin quân Pol Pot tiến qua biên giới thảm sát đồng bào năm 1978. Tổng động viên, Đức lại được tuyển, lại một lần nữa lên trung tâm huấn luyện Quang Trung. Nhưng lần này là để cầm khẩu AK47 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày 1 tháng 2 năm 1978, Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn. Nghị quyết phi nhân tính ghi: "Chỉ cần mỗi ngày diệt vài chục, mỗi tháng diệt vài ngàn, mỗi năm diệt vài ba vạn thì có thể đánh 10, 15, đến 20 năm. Thực hiện 1 diệt 30, hy sinh 2 triệu người Campuchia để tiêu diệt 50 triệu người Việt Nam".

Hàng chục nghìn thường dân đã chết vì ý định điên cuồng ấy, trong đó có những cuộc thảm sát mà lịch sử không thể nào quên, như tại Ba Chúc, nơi hơn 3.000 người bị quân Pol Pot giết hại.

Xếp lại quá khứ

Những diễn biến chính của cuộc chiến cơ bản kết thúc vào đầu năm 1979, khi quân Việt Nam tiến vào giải phóng Phnom Penh. Nhưng về danh nghĩa, cuộc chiến chỉ kết thúc 10 năm sau đó. Tàn quân của Pol Pot vẫn tập hợp thành các lực lượng du kích và tiếp tục quấy phá trên đất nước Campuchia, giết hại thường dân Campuchia.

Mặt trận 479, tỉnh Siem Riep, Campuchia, nhiệm vụ của Đoàn 7705 thời ấy là vừa chiến đấu vừa thực hiện công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng chính quyền mới. Nên ông Đức hiểu rằng mình đang chiến đấu với ai; và lần cầm súng này khác với lần trước ra sao. “Lần trước bị bắt đi quân dịch mà các ổng kêu là bảo vệ chế độ, cái chế độ cũng không biết có phải của mình hay không, lần này là cầm súng bảo vệ Tổ quốc”.

Tiểu đội trưởng Nguyễn Trọng Đức thời ấy phụ trách một khẩu súng 81 ly. Đó là những ngày cuối năm 1979, khi Khmer Đỏ, dưới sự hậu thuẫn của CIA và Trung Quốc, từ chỗ chỉ là những nhóm tàn quân, bắt đầu tập hợp lại lực lượng và thực hiện các chiến dịch xâm nhập lại Campuchia từ Thái Lan. Cuộc chiến bước vào một cao trào khác. Ông Đức đã chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống cạnh mình.

“Nó đứng bên kia, mình đứng bên này, chỉ cách nhau một quãng. Nó cũng là con người như mình, mà mình không bắn nó thì nó bắn mình” - ông chầm chậm kể về những trận chiến, không kịch tính, không chi tiết, như đang tuyên bố một mệnh đề.

Đoàn 7705 ngày ấy có nhiều người đã không thể trở về. Họ nằm lại trên nước bạn. Thậm chí ngay cả những lần quy tập hài cốt trong thập kỷ 80, do sự thiếu thốn nhiều nhẽ, cũng khiến cho nhiều người đến tận bây giờ cũng không biết đã về được với đất Mẹ hay chưa. Đến tận năm 2013, vẫn còn những cuộc kiếm tìm trong tuyệt vọng: Có gia đình ở Thái Bình đinh ninh rằng chồng mình - một Phó Tiểu đoàn trưởng - đã từ Siêm Riệp “trở về”, và hương khói trên phần mộ của anh suốt 10 năm, cho đến khi phần hài cốt ấy được bàn giao cho… một gia đình khác. Cho đến giờ, vì công tác quy tập, vì người lính đã ngã xuống ở một nơi quá xa xôi, gia đình ấy vẫn chưa thể có câu trả lời cuối cùng về người chồng, người cha đã khuất.

Ông Đức may mắn trở về nguyên vẹn. Ông từ chối trả lời câu hỏi rằng, liệu có phải là do việc được huấn luyện hai lần, bởi cả hai bên, nên ông có kỹ năng chiến đấu tốt hơn hay không.

Những tấm bằng khen và tấm huân chương Chiến sỹ vẻ vang vẫn được người lính này cất kỹ trong tủ - trên căn gác xép ọp ẹp của gia đình ở quận 11. Năm 1983 giải ngũ, ông Đức làm việc ở một hợp tác xã thương nghiệp, rồi tới năm 1998 thì nghỉ hưu và chạy xe ôm nuôi gia đình. Quá khứ được xếp lại. Rất khó để thuyết phục người đàn ông này nói về quá khứ chiến trận đặc biệt của mình.

Ông Đức giờ đứng ở trước cổng chợ Tân Phước các buổi sáng hàng ngày. Trầm lặng ngay cả trong nghề lái xe ôm. Ngoài những mối khách quen, ngay cả các đồng nghiệp trên đường Âu Cơ cũng không nhớ tên ông.

Một người lính, 2 màu áo ảnh 2Ông Đức giờ chạy xe ôm ở khu vực chợ Tân Phước

Tôi đã mất rất nhiều công để hẹn gặp được người lính đặc biệt ấy. Tôi biết đến ông qua một người bạn chiến đấu cũ, kèm lời căn dặn rằng ông Đức là một người khó tiếp xúc. Ông thậm chí không tới dự các buổi gặp gỡ bạn chiến đấu cũ những ngày lễ của đơn vị. Có người nói rằng bởi vì ông vẫn không thể bỏ qua được mặc cảm của một người từng khoác áo “phe bên kia”. Có lúc, người ta lại bảo, ông mặc cảm vì bây giờ chỉ là một người lái xe ôm bình thường.

Cuộc gặp gỡ diễn ra rất khó khăn. Tôi không dám trực tiếp gọi điện hẹn gặp, mà nhờ những người lính già liên hệ giúp - hy vọng rằng chút tình cảm nơi chiến trường sẽ thuyết phục được người đàn ông thầm lặng này. Ba ngày, ông không đáp lời. Tôi ra trước cổng chợ Tân Phước tìm. Ở đó, không ai biết ông lái xe ôm tên là Đức. Người ta bảo, chỉ có một ông Thức, nhưng đã chết rồi. Tôi suýt đã tuyệt vọng.

Một buổi sáng, ông Đức đồng ý hẹn gặp tôi một chút trước khi đi làm. Cuộc nói chuyện ban đầu rất gượng gạo. Ông thực sự không muốn nói đến những ngày tháng cũ. Và phải đến lần gặp thứ hai, những kỷ niệm mới về nhiều hơn. Ông dắt tôi về căn nhà nhỏ có tới mấy gia đình sinh sống, dắt lên căn gác cũ chật chội, lục tìm trong đống hồ sơ cũ tấm giấy chứng nhận Chiến sỹ vẻ vang và một bức ảnh chụp thời còn ở chiến trường Campuchia.

Ông bảo có cả ảnh từ thời còn ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, mặc áo lính VNCH, nhưng giờ không biết để đâu. Ông cũng không thực sự muốn tìm.

Gia đình người lái xe ôm bây giờ vẫn không dư dả. Trong cái nắng gắt của Sài Gòn, người vợ đang loay hoay bê một tảng đá lạnh lớn bày ra giữa nhà, rồi bật quạt. Đó là điều hòa nhiệt độ tự chế của những người nghèo. Gia đình 5 người sống trong một diện tích chỉ chừng hơn chục mét vuông, một lầu một gác xép. Giữa cái nóng ấy, ông Đức vẫn hàng ngày đứng trước cổng chợ, trên đường Âu Cơ, vốn không có một bóng cây nào.

Nhưng so với những ngày tháng đã qua, cuộc sống ấy dường như làm ông Đức hài lòng.

Ba đứa con, đứa lớn đã tốt nghiệp đại học và đi làm, đứa thứ hai đang học đại học Y, cô con gái nhỏ sắp vào cấp 3, những tấm huân chương và ảnh thời chiến cất rất kỹ, phải mất gần 5 ngày để tôi thuyết phục ông nói về quá khứ.

Ông nhớ các mốc ngày tháng, nhớ địa bàn, nhớ cả một người em gái Campuchia nào đó mình đã gặp trong phum, nhưng hỏi về diễn tiến những trận đánh, thì im lặng rất lâu và không trả lời. “Bây giờ khó nhớ lắm” - ông nói. Như thể phần ký ức đó đã được hoàn toàn xếp lại trong suốt 30 năm. Người lính đi qua hai cuộc chiến chỉ nói đi nói lại về hoà bình; về cái quyền được đi đạp xích lô, chạy xe ôm. Với ông, đó mới là điều quan trọng.

Người lính ấy, hiểu được sự phi nghĩa của chiến tranh. Chàng thanh niên chỉ muốn được làm một người lao động nuôi sống gia đình. Nhưng cũng người lính ấy, hiểu rằng không phải cuộc chiến nào cũng là phi nghĩa.

Những ngày hòa bình ngắn ngủi

30/4/1975: Chiến dịch Mùa Xuân 1975 thắng lợi; chiến tranh kết thúc.

4/5/1975: Khmer Đỏ đã đột kích đảo Phú Quốc, hành quyết 500 dân thường ở đảo Thổ Chu.

Tháng 4/1977: Khmer Đỏ thực hiện cuộc tấn công lớn đầu tiên vào lãnh thổ Việt Nam, tiến sâu 10 km qua biên giới, tàn sát nhiều dân thường.

1/2/1978: Pol Pot họp bàn chủ trương chống Việt Nam và quyết định thành lập 15 sư đoàn, quyết tâm “hy sinh 2 triệu người Campuchia để giết 50 triệu dân Việt Nam”.

Tháng 12/1978: Quân Việt Nam thực hiện chiến dịch phản công, đẩy lùi quân Pol Pot và thực hiện cuộc tấn công phòng ngừa vào Campuchia.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.