Ngay trong ngày đầu mở cửa, đã có 8 người - hầu hết là người cao tuổi - đã đến phòng khám ngoại trú của Bệnh viện Trung Nam của Đại học Vũ Hán để tìm kiếm tư vấn. Trong thời gian thành phố bị phong tỏa, người dân có thể lên mạng hoặc gọi vào đường dây nóng để được các chuyên gia tư vấn
Nhưng những người cao tuổi, vốn không dễ thích nghi với công nghệ và internet đã gặp khó trong việc tiếp cận dịch vụ này.
“Trước đây, nhiều người trung niên và cao tuổi có nhu cầu tâm lý không thể tìm kiếm sự giúp đỡ thông qua các dịch vụ trực tuyến”, ông Gao Yongzhe, phó khoa thần kinh bệnh viện Trung Nam, cho biết.
Phòng khám mới mở dự kiến sẽ tiếp đón bệnh nhân vào thứ Ba và thứ Năm, tại đây cung cấp các tư vấn và phương pháp điều trị dựa trên biểu hiện tâm lý của bệnh nhân, theo bác sĩ Gao.
Mặc dù mọi người có thể đang trải qua cơn đau hoặc một loạt các triệu chứng tổn thương, chẳng hạn như căng thẳng và trầm cảm, cần có thêm những cảnh báo để người bệnh hiểu rằng tình trạng của họ liên quan tới vấn đề tinh thần hơn là thể chất.
“Một số người không biết về điều này, và nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với cơ thể của họ”, ông Gao Gao nói.
Sau 76 ngày phong tỏa, cuối cùng 11 triệu người dân Vũ Hán đã được cho phép đi lại và quay trở lại nhịp sống cũ. Tuy nhiên, có không ít người tiếp tục đối mặt với cảm giác tội lỗi và xấu hổ, cũng như lo sợ dịch bệnh sẽ quay trở lại.
Những người đủ can đảm để tiếp tục cuộc sống của họ thường cảm thấy bị tẩy chay bởi những người khác bởi họ bị coi là mầm bệnh di động.
Theo một hướng dẫn y tế được chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Năm về sự phục hồi của những người sống sót sau COVID-19, rối loạn chức năng tâm lý bao gồm phản ứng cảm xúc, thay đổi nhận thức, rối loạn hành vi và phản ứng sinh lý.
Trong khi một số tình trạng như rối loạn căng thẳng cấp tính có thể nhanh chóng phát hiện, các rối loạn tâm lý mãn tính có xu hướng xuất hiện theo thời gian, đó là lý do tại sao người dân cần phải được cảnh báo từ sớm, theo các chuyên gia tâm lý.
“Có thể chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp mắc chứng hậu chấn tâm lý hơn trong 3 tháng nữa”, bác sĩ Gao nhận định.
Bệnh viện Trung Nam cho biết, ngoài điều trị cho những người sống sót sau COVID-19, nơi này cũng mở cửa cho người dân nếu họ có nhu cầu tâm lý liên quan đến dịch bệnh.
Xiao Jinsong, một cố vấn cao cấp tại bệnh viện đã tư vấn cho cả bệnh nhân và y sĩ trong thời gian Vũ Hán bị phong tỏa, và hiện đang làm việc tại phòng khám tâm lý, đã chia sẻ về một trường hợp gần đây: nam bệnh nhân đã mất người thân do dịch bệnh.
“Người này bị rối loạn giấc ngủ, lo lắng, trầm cảm và cảm giác rằng cuộc sống đã trở nên vô nghĩa. Đây là một trường hợp điển hình của chấn thương tâm lý”, ông Xiao cho biết.
Bệnh nhân ngoài việc dùng thuốc điều trị nên dành thời gian với gia đình hoặc đọc sách nếu chỉ có một mình, theo tư vấn của bác sĩ Xiao.
Đại dịch COVID-19 đang tạo ra áp lực tâm lý gia tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, vì mọi người buộc phải đối mặt với cảnh bị cô lập, bệnh tật, cái chết và thay đổi đột ngột đối với lối sống.
Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu. Tại Trung Quốc, gần 30% trong số hơn 25.000 người được hỏi cho biết họ bị trầm cảm và lo lắng liên quan đến đại dịch, theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 4.