Mustang từng là vương quốc Lo trước kia, nằm trên bình nguyên giữa vùng tây bắc Nepal và Tây Tangk. Dù vẫn giữ nguyên tôn giáo, lịch sử và văn hóa Tây Tạng, nhưng về mặt chính trị lại do Nepal quản lý. Người Lo ở vương quốc Mustang nói tiếng địa phương là tiếng Tạng, theo Phật giáo Tây Tạng.
Do nằm ở vị trí hiểm trở nên Mustang biệt lập với thế giới bên ngoài. Thậm chí, người nước ngoài không được vào lãnh thổ Mustang nếu không có giấy phép. Tận năm 1992, chính phủ Nepal mới cho phép số lượng hạn chế khách du lịch tới thăm vương quốc cổ xưa này. Đây cũng là nơi cuối cùng trên thế giới vẫn giữ nguyên vẹn văn hóa truyền thống Tây Tạng.
7000 người Lo chung sống trên mảnh đất rộng hơn 2000 km2.
Cuộc sống của người Lo chủ yếu dựa vào việc chăn nuôi gia súc, nông nghiệp. Họ trồng đại mạch, kiều mạch, táo và rau. Do diện tích đất màu hạn hẹp, người dân còn giữ truyền thống từ xa xưa anh em lấy chung vợ để đất đai không phải san sẻ, khiến gia đình thiếu thốn. Đến nay, họ vẫn duy trì kiểu gia đình truyền thống. Con trai trưởng là người có quyền kế thừa tài sản, còn con trai thứ sẽ được tặng cho tu viện khi tròn 6-7 tuổi.
Người Mustang rất sùng đạo. Họ theo Phật giáo Tây Tạng. Tôn giáo, cầu nguyện và các lễ hội trừ tà là một phần quan trọng trong đời sống của họ. Trong khi đó, thầy thuốc ở đây được gọi là “Amchi”, những người thường chữa bệnh bằng các phương thuốc bí truyền từ thiên nhiên. Họ được xã hội trọng vọng, còn được coi là nhà thực vật học hay pháp sư.
Trong nhiều thế kỷ, thung lũng sông Kali Gandaki là con đường duy nhất vào “vương quốc”. Đây từng là tuyến đường quan trọng trong buôn bán muối, gia vị, hàng hóa giữa Tây Tạng, Ấn Độ và Trung Quốc.
Mustang được tập hợp trong cuốn sách ảnh “Before they pass away” (Trước khi họ biến mất) của nhiếp ảnh gia người Anh Jimmy Nelson. Sinh ra ở Sevenoaks, Kent, Anh, Nelson theo đuổi tìm hiểu nhiều vùng đất hẻo lánh trên thế giới để tìm hiểu cuộc sống, tập tục các bộ lạc đang dần bị quên lãng.
P.V