Viết bài trên tờ Sunday Times, Wayne Rooney, hiện là trợ lý huấn luyện viên kiêm cầu thủ tại câu lạc bộ Derby County, đã lên tiếng bảo vệ các đồng nghiệp của mình, những người mà anh tin rằng đang bị bỏ rơi trong một "tình huống không thể thắng" trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
EPL đang đề xuất kết hợp cắt giảm và trả chậm lên tới 30% tiền lương của các cầu thủ, nhưng cuộc đàm phán hôm thứ Bảy giữa Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp (PFA), các đại lý của cầu thủ và EPL đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào.
Sau cuộc họp, PFA đã đưa ra một tuyên bố rằng việc giảm lương dự kiến có thể khiến quốc gia này mất hơn 200 triệu bảng tiền thuế nếu kéo dài trong một năm.
"Điều này sẽ gây bất lợi cho NHS (Cơ quan Y tế Quốc gia) và các dịch vụ khác do chính phủ tài trợ," phía PFA tuyên bố.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã nêu đích danh các cầu thủ EPL giảm lương để hỗ trợ các câu lạc bộ, nhưng Wayne Rooney cho rằng áp lực chính trị là không công bằng.
"Nếu chính phủ tiếp cận tôi để giúp hỗ trợ tài chính hoặc mua máy thở, tôi sẽ tự hào làm điều đó - miễn là tôi biết tiền sẽ đi đâu", Rooney viết.
"Hoàn cảnh cá nhân của tôi thì ổn. Nhưng không phải mọi cầu thủ bóng đá đều ở cùng hoàn cảnh. Nhưng đột nhiên toàn bộ giới cầu thủ được yêu cầu cắt giảm 30% tiền lương. Tại sao chúng tôi lại trở thành vật tế thần? Những sự việc vừa qua thật đáng xấu hổ", cựu tiền đạo Manchester United gay gắt.
Rooney bày tỏ lo ngại rằng các cuộc đàm phán hiện tại sẽ không đạt được một giải pháp thỏa đáng.
"Theo tôi, bây giờ là một tình huống không có lợi," anh cho biết. "Dù bạn nhìn nó như thế nào, chúng tôi đều là những mục tiêu dễ dàng".
Trước đó, Rooney đã chỉ trích các quan chức bóng đá Anh khi tiếp tục cho các trận đấu diễn ra dù dịch bệnh đã bùng phát.
Trong khi đó, Oliver Dowden, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, cũng đã bày tỏ mối quan tâm của mình về tình hình hiện tại liên quan tới vấn đề tiền lương của giới cầu thủ.
"Mọi người không muốn thấy xung đột trong môn thể thao quốc gia của chúng ta tại thời điểm khủng hoảng này. Bóng đá phải đóng vai trò của mình để cho thấy môn thể thao này hiểu được những áp lực mà các nhân viên, cộng đồng và người hâm mộ được trả lương thấp phải đối mặt", theo ông Dowden.