Các quan chức Anh đang ngày càng gây áp lực nhằm buộc giới cấu thủ nước này phải chấp nhận cắt giảm tiền lương, sau khi 4 câu lạc bộ cho biết họ sẽ sử dụng tiền công để trợp cấp cho các nhân viên khác trong đội bóng.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết hôm thứ Năm rằng các cầu thủ bóng đá nên "cắt giảm lương và thực hiện trách nhiệm của mình".
Các đội bóng như Tottenham, Newcastle, Norwich và Bournemouth đã lên kế hoạch sử dụng chương trình trợ cấp của chính phủ Anh để trả 80% tiền lương cho nhân viên với mức tối đa là 2.500 bảng Anh/tháng.
Mức lương trung bình cho một cầu thủ Ngoại hạng Anh là 3 triệu bảng mỗi năm, theo khảo sát mới nhất của Global Sports Salaries.
"Các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh đã nhất trí tham khảo ý kiến các cầu thủ của họ về sự kết hợp giữa giảm lương có điều kiện và chậm trả lên tới 30% tổng tiền thù lao hàng năm", ban tổ chức giải đấu cho biết trong một tuyên bố.
Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp (PFA) sẽ gặp các quan chức của giải đấu và câu lạc bộ để thảo luận về đề xuất này vào thứ Bảy.
Một cuộc họp giữa 20 câu lạc bộ của giải đấu cũng đồng ý kéo dài thời gian đình chỉ mùa giải cho đến khi tình hình trở nên "an toàn và phù hợp" để thi đấu trở lại.
Các câu lạc bộ đang mong muốn mùa giải kết thúc nếu có thể nhằm tránh khả năng phải bồi hoàn cho các đài truyền hình khoản tiền trị giá 760 triệu bảng nếu không thể tiếp tục mùa giải 2019-2020.
Tranh cãi dữ dội
Ban tổ chức Ngoại hạng Anh cũng cho biết các câu lạc bộ cũng đồng thuận việc sẽ tiến hành các trận đấu còn lại nhằm duy trì tính toàn vẹn của giải đấu
"Tuy nhiên, việc thi đấu trở lại sẽ chỉ được tiến hành với sự hỗ trợ đầy đủ của Chính phủ và theo hướng dẫn y tế”, phía Ngoại hạng Anh nhấn mạnh.
Bất chấp những rắc rối tài chính của riêng mình, các câu lạc bộ Premier League đã đồng ý cung cấp quỹ 125 triệu bảng cho Liên đoàn bóng đá Anh và Liên đoàn quốc gia để giúp các câu lạc bộ gặp khó khăn trong mùa đại dịch.
Khoản quyên góp từ thiện trị giá 20 triệu bảng cũng sẽ được cung cấp để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đội trưởng của Liverpool – tiền vệ Jordan Henderson, đã dẫn đầu một cuộc họp của các đội trưởng Ngoại hạng Anh nhằm gây quỹ cho cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), số tiền này sẽ được lấy từ khoản 30% mà các cầu thủ đã thảo luận với PFA. |
Phía PFA cũng tin rằng cầu thủ không nên được sử dụng làm vật tế thần cho các câu lạc bộ, vốn đã cho các nhân viên khác nghỉ phép, dù vẫn có khả năng trả 100% lương cho họ.
Hôm thứ Ba, câu lạc bộ Tottenham đã cho 550 nhân viên tạm nghỉ phép, cùng ngày hôm đó đội bóng này cũng tiết lộ Chủ tịch Daniel Levy đã được trả 7 triệu bảng vào mùa trước.
"Chúng tôi nhận thức được suy nghĩ của công chúng rằng các cầu thủ nên hỗ trợ trả lương cho nhân viên không chơi. Tuy nhiên, quan điểm hiện tại của chúng tôi là nếu các câu lạc bộ có thể trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của mình thì họ nên làm vậy", PFA cho biết.
Julian Knight, chủ tịch ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao, người đã coi Ngoại hạng Anh là "khoảng trống đạo đức" vì sử dụng tiền của chính phủ và cho rằng các câu lạc bộ hàng đầu không thể sử dụng “lá bài” nghỉ phép để cắt giảm lương của các nhân viên và cầu thủ.
"Căn cứ vào các câu chuyện tại Tottenham và Newcastle, tôi cảm thấy khó chịu khi phải đóng thuế theo mô hình kinh tế của Premier League, vốn không có trong thế giới thực. Điều này thực sự gây bực bội, bởi chúng ta sẽ cần số tiền đó cho NHS”, bà Knight nói.