WHO khu vực châu Âu đã thực hiện nghiên cứu tại 14 quốc gia, chủ yếu ở Đông Âu và Trung Á, cho thấy thuốc kháng sinh được kê đơn cho những bệnh như cảm lạnh (24%), các triệu chứng giống cúm (16%), viêm họng (21%) và ho (18%). Ngoài ra, ở tất cả 14 nước này, hơn 30% trong số khoảng 8.200 người được hỏi ý kiến cho biết đã sử dụng thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc. Ở một số quốc gia, hơn 40% thuốc kháng sinh được sử dụng mà không có khuyến nghị của bác sĩ.
Theo WHO, mặc dù kháng thuốc kháng sinh là một hiện tượng tự nhiên nhưng sự phát triển và lây lan của siêu vi khuẩn đang tăng nhanh do tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. WHO cảnh báo nếu không có các biện pháp can thiệp ngay lập tức, tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể dẫn đến 10 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu vào năm 2050. WHO cho rằng người dân có thể chưa hiểu hết về thuốc kháng sinh, theo đó họ có thể dùng sai mục đích. Nghiên cứu trên cho thấy cần nâng cao nhận thức cho người dân về thuốc kháng sinh.
WHO xác định tình trạng kháng thuốc kháng sinh là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Do đó, chủ đề của Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh thế giới (WAAW) diễn ra từ ngày 18-24/11 tại thủ đô Harare của Zimbabwe là “Cùng nhau ngăn chặn tình trạng kháng thuốc”, nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện các biện pháp can thiệp đa ngành để bảo vệ hiệu quả của thuốc kháng sinh.