Những nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế các căn bệnh chết người như AIDS, lao và sốt rét đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành. Cuộc khủng hoảng y tế ảnh hưởng nặng nề đến công tác ứng phó với bệnh lao và khiến các quốc gia “tụt dốc” trong tiến trình đạt được những mục tiêu kiềm chế căn bệnh truyền nhiễm này.
WHO kêu gọi thế giới áp dụng những bài học kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh với đại dịch COVID-19 vào công tác phòng, chống bệnh lao - vốn tác động nghiêm trọng đến các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Pakistan. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ: “Đại dịch (COVID-19) đã dạy cho chúng ta mọi điều, đó là với sự đoàn kết, quyết tâm, đổi mới và sử dụng một cách công bằng các công cụ, chúng ta có thể vượt qua những mối đe dọa nghiêm trọng về y tế”.
Báo cáo hàng năm của WHO về bệnh lao ước tính căn bệnh truyền nhiễm này đã giết chết 1,6 triệu người trong năm 2021, cao hơn con số ước tính là 1,5 triệu ca tử vong vào năm 2020 và 1,4 triệu trường hợp không qua khỏi trong năm 2019. Các trường hợp tử vong liên quan đến bệnh lao đã giảm xuống trong giai đoạn 2005 - 2019.
Báo cáo cũng cảnh báo trong tương lai gần, bệnh lao có thể thay thế COVID-19 để trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới chỉ từ một tác nhân lây nhiễm duy nhất.
Một báo cáo gần đây của Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét cho thấy mặc dù số người có cơ hội tiếp cận với các nỗ lực điều trị và phòng ngừa đã tăng trở lại vào năm 2021, song thế giới vẫn chưa thể thành công trong nỗ lực đánh bại những căn bệnh chết người này. Theo báo cáo của WHO, đã có khoảng 10,6 triệu người mắc bệnh lao trong năm ngoái, tăng 4,5% so với năm 2020, .
Trong “Chiến lược chấm dứt bệnh lao”, WHO đặt mục tiêu giảm 35% số ca tử vong do bệnh lao trong giai đoạn 2015 - 2020, tuy nhiên, mức giảm thực tế chỉ là 5,9% trong giai đoạn 2015 - 2021.
Đồng quan điểm với WHO, ông Mel Spigelman, Chủ tịch TB Alliance - tổ chức phi lợi nhuận chuyên phát triển và cung các loại thuốc điều trị bệnh lao có tác dụng nhanh chóng với giá cả phải chăng, trước đó cảnh báo bệnh lao đã lại trở thành căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất thế giới, sau những nỗ lực mạnh mẽ trên toàn cầu nhằm kiểm soát đại dịch COVID-19 trong vòng 2 năm qua.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Spigelman đã ca ngợi phản ứng mau lẹ và thành tích ấn tượng của thế giới trong tiến trình kiểm soát COVID-19, nhưng cũng lưu ý về thực trạng “tối tăm” trong cuộc chiến phòng, chống bệnh lao.
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, bệnh lao là “sát thủ” truyền nhiễm gây ra số ca tử vong lớn nhất thế giới, khiến khoảng 1,5 triệu người chết mỗi năm. Ông Spigelman lưu ý với việc số ca tử vong toàn cầu vì COVID-19 đang giảm mạnh, “bệnh lao đã giành lại danh hiệu tai tiếng này”.
TB Alliance ước tính thế giới mỗi ngày ghi nhận bình quân 4.109 người chết vì bệnh lao, chủ yếu là ở những nước nghèo.