Đối với Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus, những con số này rất đáng khích lệ, nhưng còn rất nhiều việc phải làm.
Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước, trong khi các công ty thuốc lá vẫn tiếp tục sử dụng mọi phương thức để bảo vệ lợi nhuận khổng lồ từ những sản phẩm chết người của mình.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus
Theo WHO, bằng chứng gần đây cho thấy ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng đại dịch COVID-19 để xây dựng ảnh hưởng với Chính phủ ở 80 Quốc gia. Báo cáo kêu gọi các quốc gia thành viên đẩy nhanh việc thực hiện các biện pháp được nêu trong Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (WHO FCTC).
Ông Ruediger Krech, Giám đốc Ban Nâng cao Sức khỏe của WHO, cho rằng một số tiến bộ chung là do các biện pháp phù hợp với khung FCTC, trong khi việc duy trì thành công đó là “mong manh”.
Theo báo cáo, việc đóng góp 1,68 đô la Mỹ bình quân đầu người mỗi năm cho các đường dây cai nghiện miễn phí trên toàn quốc, hỗ trợ dựa trên SMS và các biện pháp can thiệp khác có thể giúp 152 triệu người hút bỏ thuốc lá thành công vào năm 2030.
Báo cáo và khoản đầu tư được công bố ngay sau phiên họp thứ chín của Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư xóa bỏ hoạt động buôn bán bất hợp pháp đối với sản phẩm thuốc lá.
Những phát hiện chính của báo cáo
Năm ngoái, 22,3% dân số toàn cầu sử dụng thuốc lá, trong đó 36,7% nam giới và 7,8% phụ nữ.
Hiện có khoảng 38 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 13 đến 15 hút thuốc, trong đó có 13 triệu trẻ em gái và 25 triệu trẻ em trai. Việc bán thuốc cho trẻ vị thành niên là bất hợp pháp, và mục tiêu sau cùng là giảm số lượng trẻ em hút thuốc xuống mức 0.
Trung bình, các quốc gia có thu nhập trung bình cao đang đạt được tiến độ chậm nhất, nhưng với chất lượng dữ liệu thấp hoặc không đủ ở 29 quốc gia, cần theo dõi nhiều hơn để đánh giá xu hướng.
Theo WHO, thuốc lá giết chết một nửa số người sử dụng, cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người mỗi năm. |
Trong tất cả các khu vực mà WHO quan sát, mức giảm mạnh nhất là ở châu Mỹ, nơi tỷ lệ người dùng trung bình giảm từ 21% trong năm 2010 xuống còn 16% vào năm ngoái.
Ở châu Phi, tỷ lệ này giảm từ 15% xuống 10%.
Ở châu Âu, 18% phụ nữ vẫn sử dụng thuốc lá, nhiều hơn đáng kể so với bất kỳ khu vực nào khác mà WHO theo dõi thấy.
Mặc dù Đông Nam Á có tỷ lệ người dùng cao nhất, với khoảng 432 triệu người dùng (29% dân số), nhưng đây cũng là khu vực có tốc độ giảm nhanh nhất.
Cuối cùng, Tây Thái Bình Dương được dự báo sẽ trở thành khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất ở nam giới, với các chỉ số cho thấy hơn 45% sẽ vẫn sử dụng thuốc lá vào năm 2025.
Theo WHO, sản phẩm thuốc lá giết chết hơn 8,8 triệu người mỗi năm, hơn 7 triệu người trong số họ tử vong do hút thuốc lá trực tiếp, trong khi khoảng 1,2 triệu người khác chết do hút thuốc lá thụ động.