Trước đó, ngày 19/3, Bộ Tài chính đã phát đi thông cáo thừa nhận sự bất hợp lý nếu tiếp tục điều hành giá xăng dầu trên cơ sở tính thuế nhập khẩu (MFN) cao hơn các mức thuế theo cam kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc.
Thông cáo cho biết, để hưởng được mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hóa nhập khẩu từ các nước ký kết Hiệp định thương mại tự do phải đảm bảo điều kiện xuất xứ và điều kiện vận chuyển. Do đó, trong thời gian qua, không phải tất cả các hàng hóa đều được nhập khẩu từ các nước có ký hiệp định và không phải tất cả hàng hóa đều nhập từ các nước FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng do lỗ hổng thuế xăng dầu (Ảnh minh họa)
Như vậy, sự chênh lệch mức thuế giữa thuế nhập khẩu MFN và thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt có thể hiểu là lỗ hổng thuế xăng dầu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp dễ dàng “đút túi” hơn 3.500 tỷ đồng, để khắc phục tình trạng này Bộ Tài chính đã nhận sai và sửa lỗi bằng cách điều chỉnh phương pháp tính thuế mới và đã được Thủ tướng chấp thuận.
Tuy nhiên, số tiền 3.500 tỷ rơi vào túi doanh nghiệp đến nay vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết. Người tiêu dùng vẫn chờ đợi cách giải quyết công bằng, cả Bộ Tài chính và Bộ Công Thương đều chưa ai đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho người dân.
Trong khi đó, thay vì tham vấn, đề xuất cho các cơ quan liên quan trong việc xử lý, và giải quyết số tiền này, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, trao đổi với Ngày Nay Online ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam lại khẳng định: “Việc xử lý số tiền doanh nghiệp có được do chính sách bất cập là công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
Ông Hùng còn cho biết thêm: “Về bất cập này, doanh nghiệp được hưởng lợi, người tiêu dùng bị ảnh hưởng quyền lợi. Trách nhiệm thuộc về ai sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét, nếu thuộc trách nhiệm của cơ quan nào thì phải rút kinh nghiệm để không lặp lại những trường hợp tương tự”.
Đến nay, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ vẫn “nằm im” trong túi doanh nghiệp mà chưa tìm ra phương pháp giải quyết, nhiều đề xuất được các chuyên gia đưa ra như hạ thuế xăng dầu về 0%, giảm giá xăng dầu xuống mức thấp nhất hay tiến hành truy thu đưa phần lợi nhuận hưởng từ chênh lệch thuế vào Quỹ Bình ổn xăng dầu…
Vị đại diện cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ông Nguyễn Manh Hùng - PV) cũng đưa ra ý kiến của riêng mình: “Qua báo chí, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có biện pháp kịp thời xử lý vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng không chỉ từ nay về sau mà ngay cả số tiền người tiêu dùng đã bị mất oan hàng ngàn tỷ đồng do bất cập từ công tác quản lý. Có thể bù đắp cho người tiêu dùng thông qua giá để bán với giá thấp hơn trong khoảng thời gian nhất định cho đến khi hết số tiền mà người tiêu dùng đã phải chi ra khi mua xăng dầu với giá bất hợp lý”.
Quan điểm đã rõ, vấn đề đặt ra hiện nay đấy là: Ai, tổ chức nào sẽ đứng ra bênh vực và đòi quyền lợi cho những người tiêu dùng bị "móc túi" số tiền hàng nghìn tỷ trong suốt một năm qua? Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng có động thái tích cực hơn với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hay chỉ dừng lại ở kiến nghị “thông qua báo chí”.
V. Từ