Tại lễ khởi công, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: Việc xây dựng đền tưởng niệm vua Hàm Nghi và chiến sĩ Cần Vương ở thành Tân Sở có một ý nghĩa to lớn, nhằm góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay luôn biết tự hào về độc lập dân tộc và đấu tranh xây dựng, bảo vệ nền độc lập dân tộc; đồng thời đây là một địa chỉ thu hút du khách khi đến thăm Quảng Trị, phục vụ cho phát triển du lịch. Các cơ quan chức năng cần bảo tồn và phát huy hơn nữa của di tích quốc gia Tân Sở.
Thành Tân Sở không chỉ là di tích thành lũy quân sự cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, còn là một địa chỉ ghi dấu những sự kiện quan trọng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp đầu thế kỷ 20 của dân tộc. Thành được khởi công từ năm 1883 đến năm 1885 cơ bản hoàn thành. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn kéo dài, dưới sự chỉ đạo của các vị quan đứng đầu phái chủ trương đánh Pháp, gồm Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Lệ, Đặng Duy Cát, hàng ngàn binh lính và người dân từ các địa phương được huy động tập trung về Tân Sở ngày đêm xây thành đánh Pháp. Thành được cấu trúc theo hai vòng thành, thành ngoài có hình chữ nhật, chiều dài 548m, chiều rộng 418m trên tổng diện tích 22,9 ha. Bốn phía thành có các cổng Tiền, Hậu, Tả , Hữu. Bên trong thành có nhà cửa, trại lính, kho hậu cần, bãi tập trận của voi, ngựa… Thành nội được xây dựng bằng gạch vững chắc, chiều dài 165m, rộng 100m, trên diện tích 1,65 ha. Thành có năm cửa và ngọ môn dành cho vua và các quan ra vào hoàng cung. Trong thành nội có các khu nhà kiên cố để vua và quan làm việc như: Nhà Tiền đường, Bang tá, Lãnh binh, Chánh sự, Phó sứ… Trước ngày kinh thành Huế thất thủ, một khối lượng lớn gồm lương thực, vũ khí… đã không ngừng được vận chuyển lên căn cứ Tân Sở để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Sau sự kiện binh biến đêm 4-7-1885 tại kinh thành Huế do phái chủ trương đánh Pháp tiến hành bị thất bại, đại thần Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng ra Tân Sở, thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ hôm nay để thực hiện kế hoạch kháng chiến theo những dự tính từ trước.
Tại thành Tân Sở, ngày 13-7-1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hành Hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phò vua đánh Pháp. Từ đó, Tân Sở trở thành trung tâm kháng chiến, linh hồn của phong trào yêu nước chống Pháp. Hưởng ứng Hịch Cần Vương, nhân dân khắp cả nước dưới sự lãnh đạo của các văn thân, sĩ phu yêu nước đã nổi dậy đánh Pháp, phong trào phát triển kéo dài cho đến những năm đầu thế kỷ 20.
Thành Tân Sở đã bị quân giặc phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng khẳng định: Ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, thành Tân Sở là nơi nhen nhóm và thổi bùng ngọn lửa phong trào yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tiền đề của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.