Hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Dự án 8).
Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng ban điều hành Dự án 8 cho biết, sau 3 năm triển khai (2021 - 2023), các nội dung, chỉ tiêu cốt lõi, trọng tâm của dự án đề ra trong giai đoạn 1 (2021-2025) đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động hằng năm được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của dự án, vừa mang tính toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế. Các mô hình, hoạt động được người dân đón nhận, ủng hộ, được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận. Nhiều mô hình hay được các địa phương xây dựng, nhân rộng, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ, trẻ em.
Giai đoạn 2021-2023, hơn 7.600 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập, duy trì (đạt 84,7% chỉ tiêu đặt ra giai đoạn 1), với sự tham gia của hơn 61.000 thành viên. Đáng chú ý, có 8/10 tỉnh đã triển khai gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em đến bà mẹ... Đặc biệt, nhiều cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật gắn với phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em tại một số tỉnh đại diện các vùng miền và tư liệu hóa thành clip đã được cung cấp tới các địa phương.
Trong khuôn khổ dự án, 250 cuộc tập huấn nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp được tổ chức, với sự tham dự của hơn 12.700 cán bộ huyện, xã; 570 cuộc tập huấn dành cho gần 36.000 trưởng thôn, bản, ấp, buôn, người có uy tín tại cộng đồng… Những hoạt động trên góp phần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, bổ sung đánh giá, nhận định về kết quả 3 năm và tình hình thực hiện bình đẳng giới, rút ra các bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục hạn chế và phương hướng, nhiệm vụ những năm tiếp theo... Để đáp ứng được các mục tiêu của Chương trình và của Dự án, các đại biểu cho rằng, cần phải xác định rõ nhóm đối tượng can thiệp và những vấn đề cấp thiết cần tập trung theo từng giai đoạn triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc lồng ghép giới trong các hoạt động của tất cả các dự án là cần thiết và quan trọng.
Các ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ phụ nữ, trẻ em vượt qua các rào cản về kinh tế - văn hóa - xã hội để tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em cơ bản, có chất lượng nhằm giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi là rất cần thiết và lâu dài.
Thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ như: địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng, câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; câu lạc bộ gia đình hạnh phúc..., góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người bị bạo lực, tuyên truyền xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em, đồng thời xây dựng, phát hành các sản phẩm truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và hệ thống thông tin cơ sở; tăng cường ứng dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số…