Xây dựng tinh thần tự chủ cho thế hệ tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từ trước đến nay, việc học tập và giáo dục trẻ em nói chung vẫn luôn là đề tài được đông đảo xã hội quan tâm và là vấn đề trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo tâm huyết.
Xây dựng tinh thần tự chủ cho thế hệ tương lai

Theo đó, John Holt, một nhà giáo kiêm tác giả người Mỹ, đồng thời là người khởi xướng phong trào giáo dục tại nhà (homeschooling) của thập niên 1970. Là một người yêu trẻ và tận tâm với nghề dạy học, từ những băn khoăn về những vấn đề hết sức đơn giản trong quá trình truyền giảng kiến thức, dần dà ông đã khám phá ra vô số những vấn đề căn cơ trong việc học cũng như trong cuộc sống của trẻ em, cùng những bất cập nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục Mỹ thời đó, và đã chia sẻ tất cả những suy nghĩ này qua các cuốn sách do chính ông viết mà đến nay vẫn còn giữ nguyên tính thời sự. Sáu tác phẩm “Trẻ em học như thế nào”, “Trẻ em khó học thế nào”, “Học mọi lúc”, “Thay vì giáo dục”, “Trường học kém thành tích” và “Thoát khỏi tuổi thơ” do Book Hunter tổ chức dịch và xuất bản chính là những tác phẩm nổi bật nhất trong di sản sách giáo dục của ông, nêu lên ba vấn đề cơ bản liên quan đến giáo dục trẻ em: cách học tự nhiên của trẻ, thực trạng của hệ thống giáo dục Mỹ thập niên 1970, và các giải pháp mà xã hội và cha mẹ có thể thực hiện để giúp việc học của trẻ và hơn cả thế là cuộc sống của các em trở nên thực chất hơn, dễ chịu hơn, và quan trọng nhất là để giúp các em được sống đúng với chính mình hơn.

Xây dựng tinh thần tự chủ cho thế hệ tương lai ảnh 1

Bộ 6 tác phẩm kinh điển về giáo dục của John Holt do Book Hunter thực hiện dịch và phát hành, bao gồm: “Trẻ em học như thế nào”, “Trẻ em khó học thế nào”, “Học mọi lúc”, “Thay vì giáo dục”, “Trường học kém thành tích” và “Thoát khỏi tuổi thơ”

Cách học tự nhiên của trẻ em

Để tìm hiểu trẻ em và cách học của trẻ em, John Holt trước hết phản đối các nghiên cứu vốn đã mang sẵn tính thiển cận, chủ quan cùng rất nhiều hạn chế khác, bởi việc nghiên cứu được dựa trên lý thuyết, mà các lý thuyết thì thay đổi liên tục. Hơn nữa, một nghiên cứu dù có thu thập được lượng dữ liệu phong phú đến đâu cũng vẫn là quá sơ sài so với chính hoạt động đang được nghiên cứu. Vì thế ông chủ trương tìm hiểu trẻ bằng cách quan sát các em thật tỉ mỉ, kĩ càng, một cách thành tâm, với thái độ tôn trọng, tin tưởng và yêu thương, để các em thoải mái bộc lộ con người thật của mình trước mắt người quan sát, đồng thời, người quan sát cũng cần mang một tâm thế thật khách quan, công tâm để những ghi nhận của mình phản ánh đúng sự thật nhất.

Với tâm thế ấy, và nhờ lợi thế của một giáo viên cũng như của một người yêu trẻ, Holt đã có cơ hội quan sát một lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, từ đó ông rút ra rằng trẻ em rất thông minh, kiên nhẫn, tài giỏi, khéo léo, biết tư duy trừu tượng, giỏi ứng biến. Trẻ bẩm sinh đã là những nhà khoa học vô thức đối với thế giới xung quanh mình: các em quan sát, tò mò, suy đoán, và tự đặt ra các câu hỏi; các em nghĩ ra các câu trả lời khả thi, tạo ra các lý thuyết, đồng thời đưa ra các giả thiết, rồi kiểm tra các lý thuyết bằng việc đặt câu hỏi, hoặc quan sát kỹ hơn, thử nghiệm, hoặc đọc; sau đó các em điều chỉnh lại các lý thuyết nếu cần, hoặc bác bỏ chúng, và quá trình trên cứ tiếp tục như vậy. Nói cách khác, trẻ em là những người học một cách rất tự nhiên. Tuy nhiên, trẻ muốn làm những việc này một cách độc lập, trẻ muốn và nỗ lực đạt được ưu thế và khả năng kiểm soát thế giới chung quanh; trẻ sẽ xấu hổ, sợ hãi, và cảm thấy bị đe dọa ở mức độ nào đó nếu biết mình không có được ưu thế và sự kiểm soát đó. Đó là lý do khiến nhiều đứa trẻ không thích được dạy khi các em chưa yêu cầu - các em muốn được tự học cho đến hết khả năng vốn có của mình.

Thực trạng của hệ thống giáo dục

Tuy mang sẵn trong mình khả năng học độc lập tuyệt vời như vậy, song, những gì trẻ em thể hiện ở trường học lại không hề phản ánh tố chất bẩm sinh ấy. Trẻ không thể tập trung vào bài học, và những cách trả lời của các em hiếm khi phản ánh kiến thức và tinh thần học tập thực chất mà chỉ thể hiện những chiến lược rất nhanh nhạy hòng đối phó với giáo viên: lí nhí, nhìn mặt đoán chữ, đoán hú họa rồi tùy cơ ứng biến theo phản ứng của giáo viên, lừa giáo viên tự trả lời câu hỏi, v.v. Tại sao lại như vậy? Bởi vì tất cả những hành xử của nhà trường, giáo viên và phụ huynh đều khiến cho trẻ cảm thấy trường học là một nơi các em không được đánh giá dựa trên con người thật của mình mà dựa trên số câu trả lời đúng, hay nói cách khác, dựa trên thành tích học tập có thể đo đếm được của các em. Trường học, vì thế, là một nơi nguy hiểm, và nhiệm vụ của các em là tránh khỏi hiểm nguy trong chừng mực có thể. Bởi vậy, ở trường các em không hề học hỏi, mà là chạy trốn để được yên thân. Các em "chạy trốn" khỏi điều gì? Trước hết, khỏi nỗi sợ thất bại - các em sợ bị tụt lại đằng sau, sợ bị nhạo báng là ngu ngốc, sợ cảm thấy mình ngu ngốc. Thứ nữa, các em sợ làm mếch lòng thầy cô giáo và cha mẹ. Vậy là thay vì học để thỏa mãn trí tò mò bẩm sinh của mình, giờ đây các em học để đối phó.

Vì sao trường học lại trở nên nguy hiểm như vậy trong mắt trẻ em? Trước tiên và trên hết, vì toàn bộ nhà trường và hệ thống đánh giá của trường học chỉ xoay quanh thành tích, tức điểm số của học sinh, nhằm thu về danh tiếng cho chính họ. Tất cả những gì nhà trường quan tâm là học sinh giỏi giải đề. Trường học khuyến khích các em trở thành những người sản xuất - những học sinh tìm cách có được “câu trả lời đúng” bằng mọi giá và mọi cách, thay vì cổ vũ các em làm những người tư duy - những người cố gắng suy nghĩ về ý nghĩa, về thực tế, về mọi việc các em đang làm.

Với tôn chỉ ấy, toàn bộ quá trình dạy học không hướng đến khơi gợi suy nghĩ, mở mang kiến thức cho người học mà chỉ nhằm gò ép học sinh tìm cho bằng ra đáp án đúng. Nhà trường và các thầy cô giáo do đó đối xử và nhìn nhận trẻ không phải như những con người cần được nuôi dưỡng những phẩm tính độc đáo riêng mà dựa trên mức độ vâng lời - sẵn bên củ cà rốt luôn là một cây gậy. Lòng dũng cảm, sự tò mò, khả năng truy vấn những kiến thức có sẵn, thái độ sẵn sàng chấp nhận sai lầm và học hỏi từ sai lầm của học sinh trở thành những mối đe dọa đối với họ.

Xây dựng tinh thần tự chủ cho thế hệ tương lai ảnh 2

6 tác phẩm của John Holt tại không gian phòng Giang Hồ Vặt của Trung tâm Book Hunter, nơi diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách cùng đại diện của Book Hunter - nhà văn Hà Thủy Nguyên vào tháng 6 vừa qua.

Các giải pháp

Đứng trước thực trạng ấy, John Holt đề xuất một hướng đi mới cho giáo dục trẻ em dựa trên một mục tiêu khác biệt hoàn toàn: để mỗi đứa trẻ có thể phát triển phẩm chất tuyệt hảo của con người bên trong các em, để các em được tự do sống và suy nghĩ về cuộc sống đúng như nó đang là.

Muốn vậy, trước hết người lớn phải học cách tin tưởng trẻ em - như lòng tin sâu sắc mà Holt luôn dành cho các em nhờ những quan sát cặn kẽ, khách quan của mình - đồng thời phải nhìn nhận các em không phải như một nhóm người bé nhỏ đặc biệt cần được bảo vệ, chỉ dạy và bắt vâng lời, mà như những con người độc lập và bình đẳng với mình. Trẻ em sẽ không phải sống và học ở bên trong những lằn ranh mà người lớn vạch ra cho các em dựa trên những ước đoán hạn chế và đầy chủ quan mà sẽ được trao quyền lựa chọn hòa mình vào thế giới xung quanh như một công dân chính thức bất cứ khi nào các em muốn. Tức là các em có quyền quyết định mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình như quyền được làm việc, được sở hữu tài sản riêng, được đi du lịch, quyền được bầu cử, v.v và đặc biệt là quyền được kiểm soát việc học của chính các em, nghĩa là tự quyết định các em muốn học gì, học những điều đó khi nào, ở đâu, như thế nào, ở mức độ và tốc độ nào và bằng kiểu trợ giúp gì. Cụ thể hơn, các em nên được quyền quyết định có ai dạy các em hay không, dạy vào lúc nào, ai là người dạy, và được tự đánh giá việc học của mình.

Xa hơn nữa, trong cộng đồng lý tưởng cho trẻ em mà John Holt hướng đến, tính thực tiễn luôn được đề cao, và kiến thức là hành động, vì thế quá trình học của trẻ sẽ không mang nặng tính lý thuyết và tách bạch khỏi thực tế, mà học theo ông tức là làm - làm cho mọi thứ trở nên có ý nghĩa, người học cũng là những người làm - "do-er", và hoàn toàn chủ động về toàn bộ quá trình làm-học này của mình mà không hề phụ thuộc vào việc có hay không có người dạy. Một trường học quan niệm người học là người làm do đó sẽ có triết lý và cách ứng xử khác hẳn: sẽ không có ép buộc, dọa dẫm hoặc hứa hẹn, không có kiểm tra, đánh giá, tất cả các tài nguyên và người hướng dẫn đều sẵn có để cho người học có thể dùng đến và tìm đến bất cứ lúc nào và theo bất cứ cách nào các em muốn, với mục đích là để giải đáp những thắc mắc, thỏa mãn sự tò mò của các em. Còn người dạy, hay các T-eacher, có được uy quyền đối với người học thông qua sự thỏa thuận của lòng tin. Người dạy cố gắng mở rộng các năng lực của người học, hỗ trợ để người học từng bước tự vượt qua chính các em chứ không phải ganh đua với bất kỳ ai khác, và rồi dần dà người học có thể trở thành thầy dạy của chính mình.

Đó là những giải pháp tổng quát ở tầm vĩ mô, đòi hỏi một khoảng thời gian rất dài để cả xã hội có thể chấp nhận, thích ứng, và điều chỉnh. Trong lúc đó, khi các thực trạng giáo dục ở nhà trường vẫn còn nhức nhối, thì ít nhất ở tầm vi mô và kề cận nhất, ngay bây giờ cha mẹ và những người lớn quan tâm đến trẻ chính là những người có thể thực hiện những bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng này để nuôi dưỡng lòng tự trọng cũng như phẩm tính bẩm sinh của mỗi đứa trẻ. Trước hết, hãy đối xử nhã nhặn với các em, tôn trọng không gian sống cả ở khía cạnh vật lý lẫn khía cạnh tình cảm của các em, để các em được tự quyết định đến mức tối đa các vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình, cho các em được làm bạn với nhiều người ở nhiều độ tuổi đa dạng. Còn xét riêng việc học, chúng ta có thể giúp trẻ học theo cách tốt nhất, không phải bằng cách chọn ra những gì ta nghĩ trẻ nên họcvà nghĩ ra các cách khéo léo để dạy cho trẻ, mà bằng cách cố gắng hết sức làm cho thế giới trở nên dễ tiếp cận hơn với các em, đồng thời chú ý một cách nghiêm túc tới những gì các em làm, trả lời câu hỏi của các em nếu có, và giúp các em khám phá những điều các em quan tâm nhất. Đây hẳn đều là những việc rất đơn giản và dễ hiểu đối với cha mẹ và những người yêu quý trẻ em.

Sáu tác phẩm “Trẻ em học như thế nào”, “Trẻ em khó học thế nào”, “Học mọi lúc”, “Thay vì giáo dục”, “Trường học kém thành tích” và “Thoát khỏi tuổi thơ” của John Holt cũng như các tác phẩm khác của ông đều nhất quán ở ba điểm: tính khách quan, tính chính trực, và sự hết lòng của ông đối với việc xây dựng cho trẻ em một môi trường sống và học tập nhân ái và hiệu quả. Tất cả những ai quan tâm chân thành tới các em cũng như việc học của các em, tất cả những ai muốn bồi dưỡng cho các em trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình hẳn sẽ tâm đắc và nhất trí với đa số luận điểm mà ông đưa ra. Và hi vọng rằng, những người như thế - trong đó hẳn bao gồm phần lớn các bậc cha mẹ - có thể tìm thấy từ các tác phẩm của ông một lối đi riêng phù hợp nhất với hoàn cảnh và những đứa trẻ của mình.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.