Thợ rửa bát

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong căn phòng áp mái của một tòa cao tầng tại Hà Nội, có những người già làm công việc rửa bát cho nhà hàng. Ở tuổi “xế chiều”, họ vẫn miệt mài lao động mưu sinh, dù vất vả.
Thợ rửa bát

Trước khi đồng hồ điểm 7 giờ sáng, bà Đinh Thị Quỳnh, 65 tuổi, đã có mặt tại nơi làm việc của mình - một mặt sàn rộng rãi được dành riêng cho công việc rửa bát phục vụ nhà hàng lẩu - nướng. Những thùng nhựa chứa đầy bát đĩa nằm sẵn trên sàn nhà từ tối hôm trước, đợi bà Quỳnh và các đồng nghiệp xử lý.

Trung bình mỗi khách vào nhà hàng sử dụng khoảng 10 bát đĩa đựng. Cứ thế nhân lên hàng trăm lượt khách, những người như bà Quỳnh làm không ngơi tay. Họ tự gọi mình là "thợ rửa bát". Những "thợ rửa bát" U70.

Không mất nhiều thời gian, bà Quỳnh xỏ găng tay rồi còng lưng đẩy những thùng bát đĩa vào một góc. Bốn "thợ rửa bát", người trút thức ăn thừa, người rửa, người tráng, người cọ vỉ. Một ngày của những "thợ rửa bát" kéo dài 12 tiếng, trừ đi 2 tiếng nghỉ trưa, họ làm việc không ngơi tay từ 7 giờ sáng cho tới 9 giờ tối.

Trên căn gác tách biệt với thế giới bên ngoài, nguồn giải trí duy nhất của những "thợ rửa bát" là chiếc radio nhỏ đặt trên bậu cửa sổ nhìn ra những tòa cao ốc.

Từ Phú Thọ tới Hà Nội lập nghiệp từ năm 2012, nhưng hai năm nay, bà Quỳnh chọn công việc rửa bát để mưu sinh. Tuổi già khiến bà không còn đảm đương được những công việc cần sự tỉ mỉ và chính xác như trước.

Thợ rửa bát ảnh 1

Bà Quỳnh cùng con trai là hai lao động chủ lực của gia đình.

Nhà ở nông thôn dù lắm việc, nhưng chẳng ra được mấy tiền, bà Quỳnh và con trai chọn cách rời xa gia đình để gồng gánh nuôi 6 miệng ăn. Lương tháng rửa bát của bà Quỳnh tương đương với cả gia đình làm ruộng 3-4 tháng.

“Chồng thì ở nhà. Còn tôi bắt buộc phải xuống Hà Nội để kiếm đồng ra đồng vào”, bà Quỳnh nói. "Như bọn tôi già rồi. Làm gì có công ty gì lựa chọn cái độ tuổi 60 này nữa".

Đảm nhiệm công đoạn rửa xà phòng, bà Lò Thị Mơ, 58 tuổi, đồng nghiệp và người ở trọ cùng bà Quỳnh, cho biết không nhớ rõ bản thân đã tới Hà Nội từ năm nào. Đối với người phụ nữ đến từ Thanh Hóa, Thủ đô nằm bên ngoài cửa sổ. Tất cả những gì bà biết về thành phố này là quãng đường từ phòng trọ tới chỗ làm việc.

Thợ rửa bát ảnh 2

Dù đau nhức khắp người, nhưng việc rửa bát vẫn đem thu nhập đều đặn cho bà Mơ hơn là làm ruộng.

“Tôi chỉ biết ở đây với Lăng Bác. Vậy thôi”, bà Mơ cười.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhận định Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2035, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 20% dân số. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%.

Còn theo số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), ước tính số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp ở nước ta hiện chiếm hơn 25% dân số. Trong đó, có khoảng 12 triệu người cao tuổi.

Hiện tại, chỉ một bộ phận người cao tuổi Việt Nam được hưởng chính sách an sinh xã hội, trong đó có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Không có chế độ hưu trí, cũng có nghĩa là làm tới lúc nào còn sức, hoặc hiện thực hơn - tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Ông Nguyễn Xuân Đăng, 68 tuổi, cho biết bản thân là đàn ông, có sức khỏe nên được giao việc cạo vỉ nướng bằng vòi nước áp suất.

Thợ rửa bát ảnh 3

Mỗi ngày, ông Đăng phải đánh hàng trăm chiếc vỉ nướng để phục vụ nhà hàng.

Đeo hai lớp găng tay, mặc chiếc quần nilon loại 5 nghìn đồng, ông Đăng bộc bạch dù công việc có nặng nhọc so với độ tuổi, nhưng thu nhập từ 6 triệu – 6 triệu rưỡi giúp ông và các đồng nghiệp đủ trang trải và tích cóp gửi về nhà.

Đối với những "thợ rửa bát", việc được lao động và kiếm thêm thu nhập giúp họ cảm thấy tự tin ở bản thân hơn.

"Các chú giúp đỡ các bác già này nhé" - bà Quỳnh nói khi nghỉ tay.

"Các bác cần giúp gì ạ?" - chúng tôi hỏi.

"Không biết" - bà Mơ cười. "Khó khăn quá. Nhưng chả biết cần giúp gì".

“Chúng tôi vẫn làm nhiệt tình, trách nhiệm”, ông Đăng nói.

Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.
Ấn tượng và tự hào về Carnaval đầu tiên trên biển tại Quảng Ninh
Ấn tượng và tự hào về Carnaval đầu tiên trên biển tại Quảng Ninh
(Ngày Nay) - Với chủ đề “Bừng sáng cùng Kỳ quan”, Carnaval Hạ Long 2024 diễn ra vào tối 28/4, tại khu du lịch Bãi Cháy, lần đầu tiên được tổ chức trên biển được ví như bữa tiệc của âm nhạc và ánh sáng, đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.