Chiều 4/1, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm. Bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới đồng ý cho bán chỉ định, không qua đấu giá, đồng ý cho giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi, theo TTXVN.
Trả lời thẩm vấn của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Minh cho biết 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát xác định có sai phạm và bị truy tố trong vụ án là tài sản nhà nước. Liên quan tới việc bán 22 nhà đất công sản này, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc bị cáo ký các công văn liên quan đến việc cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức đã nộp đủ tiền khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho phép thay đổi tên người sử dụng đất là căn cứ vào Nghị định 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ.
Trong Nghị định 38 có quy định giảm 20% hoặc cho nợ 5 năm tiền sử dụng đất, do đó việc lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định chỉ giảm 10% là đã thu lãi cho ngân sách nhà nước. Do vậy, bị cáo Minh cho rằng chỉ đạo của bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ 2004 đến năm 2014, được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác, Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004. Theo quy định của Nghị định 198 thì những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành Quyết định số 8712 ngày 1/11/2007 có quy định: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện do các tổ chức, cá nhân đang thuê ở, khi được UBND thành phố phê duyệt quyết định bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền 1 lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định bán thì được giảm 10% tiền sử dụng đất (không giảm tiền nhà)”. Theo giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng, nội dung này là trái với Nghị định 61.
Về phần mình, bị cáo Văn Hữu Chiến (Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2011 đến 2014) bị cáo buộc có hành vi ký quyết định về việc thu hồi, giao cho công ty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ diện tích 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước.
Bị cáo Văn Hữu Chiến tại phiên xét xử. Ảnh: VietNamNet |
Điều 2 của quyết định ghi rõ: Công ty CP Xây dựng 79 có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất được quy định tại thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006 với số tiền là 87 tỷ đồng, trong khi đó giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất theo giá thị trường của dự án 29 ha thuộc Đô thị quốc tế Đa Phước tại thời điểm này là hơn 4.788 tỷ đồng (theo Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở TƯ).
Bị cáo Văn Hữu Chiến còn ký công văn cho phép công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất và giảm 10% tiền sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Tại tòa, bị cáo Chiến trình bày: "Dù bị cáo được phân công mảng tài nguyên môi trường, nhưng việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất công sản do Chủ tịch làm, bị cáo chỉ ký một số theo phân công".
Khi được Viện Kiểm sát chất vấn về trách nhiệm của bị cáo khi gây thiệt hại cho nhà nước, bị cáo Chiến cho rằng trong quá trình triển khai thực hiện, bị cáo không phải là người quyết định và vào thời điểm đó, có hai cơ quan tham mưu cho bị cáo sẽ rà soát rồi mới trình thì bị cáo ký, theo ghi nhận của VietNamNet.
Dù theo kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Trung ương cho thấy, dự án 29 ha tại thời điểm đó có giá trị hơn 4.788 tỷ đồng, thế nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng không áp theo giá đó khiến ngân sách thành phố chỉ thu được 87 tỷ đồng. Về vấn đề này, bị cáo Văn Hữu Chiến chỉ trả lời ngắn gọn: "Các cơ quan tham mưu trình giá đó".