CTCP Tập đoàn Đầu tư và thương mại Toàn Cầu (gọi tắt là công ty Toàn Cầu) - doanh nghiệp có trụ sở tại Trích Sài, quận Tây Hồ, Hà Nội mới ra đời từ cuối năm 2018 nhưng hiện có vốn điều lệ ấn tượng lên tới gần 128.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD).
Sau 2 năm thành lập tăng vốn lên 969 lần
Qua tìm hiểu, Công ty Toàn Cầu được thành lập ban đầu với vốn điều lệ 132 tỷ đồng, do 5 thành viên gồm Bùi Văn Việt nắm giữ 18% cổ phần, Phạm Thị Thành (36%), Đào Xuân Hậu (18%), Đỗ Công Đảng (18%) và Trần Đức Thùy (10%). Trong đó, ông Bùi Văn Việt là người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty.
Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh đa dạng, từ chăn nuôi, sản xuất gia cầm, giống heo, đến sản xuất đồ kim hoàn, cụ thể là bán lẻ vàng, bạc, đá quý, nước rửa trang sức.
Tháng 6/2019, công ty mới hơn 2 năm tuổi thay đổi ngành nghề kinh doanh chính sang xây dựng nhà không để ở, cụ thể là cung cấp dịch vụ xây dựng nhà xưởng, bệnh viện, trường học, nhà làm việc, khách sạn, cửa hàng, nhà hàng, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe.
Trong khoảng thời gian này, Công ty Toàn Cầu đồng thời tăng mạnh vốn điều lệ lên gần 127.902 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD. Trong đó, vốn trong nước là 76.741 tỷ đồng; một cổ đông nước ngoài là ông David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỷ đồng (tương đương 2,2 tỷ USD) chiếm 40% vốn điều lệ.
Với vốn điều lệ khủng lên tới gần 128.000 tỷ đồng, Công ty Toàn Cầu được xếp cùng top với doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, như EVN, Samsung, Vingroup...
Nhưng một điểm đáng chú ý, Công ty Toàn Cầu gần như không có hoạt động gì nổi bật trong thời gian qua. Thị trường cũng hầu như chưa biết đến sự tồn tại của doanh nghiệp này.
Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của công ty tương đương mức vốn chủ sở hữu và không thay đổi gì so với thời điểm góp vốn. Điều này có nghĩa công ty gần như không có hoạt động sau 1,5 năm tăng vốn.
Cũng cần nói thêm, ngoài là đại diện pháp luật của Công ty Toàn Cầu, ông Bùi Văn Việt hiện còn là đại diện của hai tổ chức khác là Công ty TNHH Liên doanh Việt Pháp (Hà Giang) và Xí nghiệp Mây tre lá của Thương binh và Người tàn tật (Hà Nội).
Ông David Aristotle từng là CEO của một công ty kinh doanh đa cấp |
Chân dung nhà đầu David Aristotle
Theo tìm hiểu, ông David Aristotle Phan từng theo học lĩnh vực khoa học máy tính từ những năm 1970-1980 tại Mỹ, là Tiến sỹ Khoa học máy tính và Tiến sỹ khoa học nghiên cứu ứng dụng vật lý…
Hiện, ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Sophy Investment, đồng thời hoạt động tại một số vai trò khác như làm Giám đốc tài chính (CFO) của Marvel 3-D Films hay là Chủ tịch Humanity Film Media, một công ty sản xuất phim tài liệu về lịch sử châu Á...
Về Sophy Investment, công ty này được giới thiệu là một tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu, thường kêu gọi các nhà đầu tư "nhẹ dạ cả tin" bỏ vốn 10.000 USD - 1 triệu USD và hứa hẹn đem lại lợi tức trung bình 20%/tháng.
Tuy nhiên, thực chất mô hình mà Sophy Investment đề cập giống như mô hình kinh doanh đa cấp. Theo giới thiệu, khi nhà đầu tư giới thiệu thêm một nhà đầu tư mới, họ sẽ nhận ngay phần lợi nhuận 10% từ chính giá trị khoản đầu tư của người này. Hấp dẫn hơn, nhà đầu tư giới thiệu còn nhận về 10% trên tất cả phần lãi của nhà đầu tư mới hình thành trong tương lai.
Điều đáng nói là Sophy Investment có liên quan đến Swiss Mutual Fund (1948) - một tổ chức từng bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cảnh báo là lừa đảo vào năm 2009.
Không dừng lại ở đó, những biến thể của tổ chức này còn có Swisscash đã thực hiện các phi vụ lừa đảo nhà đầu tư toàn cầu lên tới 83 triệu USD.