Tại hội thảo “Phổ biến rào cản kỹ thuật để triển khai hiệp định EVFTA đối với ngành hàng thủy sản” diễn ra ngày 16/10 ở Cần Thơ, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc xóa bỏ thuế quan trong EVFTA kỳ vọng tạo ra cơ hội to lớn cho XK thủy sản (TS).
Tận dụng lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, XK TS có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Đến hết tháng 9/2020, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 trên toàn cầu, giá trị sản xuất TS tăng 2,48%, kim ngạch XK TS sang thị trường EU trong tháng 9 đã hồi phục mạnh khi đạt 92 triệu USD (tăng 13%) và lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 692 triệu USD.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), Việt Nam hiện có 579 doanh nghiệp (DN) XK TS sang EU, chiếm 72% trong tổng số DN XK TS đi các thị trường (805 DN). Các sản phẩm TS của Việt Nam đã thâm nhập tương đối sâu và có chỗ đứng vững chắc tại thị trường các nước EU. TS Việt Nam xếp thứ 11 về thị phần tại EU (đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Công, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mexico, Canada, Singapore và Đài Loan).
EU đã công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) TS của Việt Nam, công nhận NAFIQAD là cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trong kiểm soát TS XK vào EU. Lô hàng XK vào EU được thẩm định, lấy mẫu kiểm nghiệm và cấp chứng thư ATTP… Cơ quan thẩm quyền của EU định kỳ vẫn sang thanh tra và công nhận hệ thống kiểm soát của Việt Nam tương đương EU. Đó là những cơ hội.
Tuy nhiên, đại diện NAFIQAD vẫn khuyến cáo, EU là thị trường có quy định cao về ATTP trong đó có thủy sản nhập khẩu. Các lô hàng TS của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo có giảm, tuy nhiên vẫn đáng quan ngại. TS Việt Nam vẫn gặp khó về yêu cầu trong việc khắc phục thẻ vàng IUU…
Chiếm lĩnh thị phần còn khiêm tốn
Ông Đào Trọng Hiếu – Phó trưởng Phòng Phát triển thị trường thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, nhập khẩu TS của EU hàng năm hơn 22 tỷ USD, trong khi XK TS của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 1,2-1,4 tỷ USD mỗi năm, một tỷ lệ rất khiêm tốn. Trong giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK TS sang EU chỉ đạt 0,4%/năm, thấp nhất trong 10 thị trường XK hàng đầu của TS Việt Nam.
EU giữ vững vị trí thứ hai (sau Mỹ) trong các thị trường của XK tôm Việt Nam trong giai đoạn 2010-2019, XK tôm Việt Nam sang EU giai đoạn này tăng trưởng bình quân 8,7%/năm. Trong khi mặt hàng cá tra cho số liệu ngược lại khi giảm bình quân 8,6%/năm, EU là thị trường lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Mỹ) của XK cá tra Việt Nam trong 10 năm qua.
Dự báo XK TS sang EU năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 20%. Trong đó, mặt hàng cá tra đạt hơn 174 triệu USD (giảm 26%); tôm đạt hơn 527 triệu USD (giảm 24%); cá ngừ đạt hơn 131 triệu USD (giảm 6%); mực, bạch tuộc đạt gần 49 triệu USD (giảm 27%)...
Trong 5 năm tới, XK TS sang EU sẽ tăng trưởng tốt hơn nếu thẻ vàng IUU được tháo gỡ, tận dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA… Với kịch bản đó, dự báo XK TS Việt Nam sang EU 5 năm tới đạt 1,2-1,5 tỷ USD/năm.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng XK TS của Việt Nam tháng 9/2020 đạt hơn 826 triệu USD, tăng 1,4% so với tháng trước đó. Tổng 9 tháng đầu năm đạt hơn 6 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái.