Bây giờ, nhà báo làm được thơ không còn nhiều. Ví dụ như tôi, cũng từng làm thơ, thậm chí còn được gọi là làm thơ hay, có chút tiếng tăm thời sinh viên, thì bây giờ, cũng không còn làm thơ được nữa. Vì thơ, không chỉ là cách sử dụng từ ngữ tài tình, mà còn cần một trái tim dạt dào cảm xúc nữa, thứ cảm xúc mà cơm áo gạo tiền đời thường có thể ghè nó xuống, “cơm áo không đùa với khách thơ”…
Vì thế, nhận tập thơ “Bỗng lại hờn lại nhớ” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, tôi đọc trong cảm xúc khâm phục xen lẫn tò mò, giống như thăm nhà một người quen nhưng lại đi một con đường lạ, mở một cánh cửa khác để bỡ ngỡ thấy chủ nhà hiện lên ở một khung cảnh khác, có khi, thật hơn “con người ở cửa chính mọi khi”.
Và tôi gặp một Huỳnh Dũng Nhân đang “Ngồi xem bóng đá một mình” – tr 36, rồi tự sự bên cạnh toà Landmark 81 cao nhất Việt Nam- đối diện nhà anh ở Sài Gòn. Toà nhà bằng bê tông, biểu tượng thịnh vượng của một thành phố không ngủ, vô hình chung thành người bạn của anh, anh ngồi bên, nhìn nó, lúc say say anh bảo nó: “Tôi vô danh; nó nổi tiếng; Nó sẽ tồn tại; Tôi thì biến mất’. Anh thậm chí Gato với nó, ghét nó, thích nó, rồi kết lại chắc nịch: “Điều tự an ủi; Nó toàn bê tông; Tôi được làm người’- Thơ tặng toà tháp cao nhất Việt Nam- Tr 52.
Tập thơ thứ 4 của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sau: Dã Quỳ tím; Tự tình với Facebook; Ký ức chao nghiêng. |
Huỳnh Dũng Nhân làm thơ về mọi cái anh nghĩ hàng ngày, thấy hàng ngày, va chạm vào nó hàng ngày. Chủ đề trong thơ anh, vì thế, rất rộng, nó như tấm gương được anh chụp lại rồi thổi vào đó thứ ngôn ngữ rung cảm của thơ ca. “Tháng 8 bên bờ cách ly; Tháng 8 đầy nguy cơ rình rập; Em đâu rồi, tôi có thấy em đâu”- Tháng 9-tr 50.
Trong tập thơ “Bỗng lại hờn lại nhớ”, Huỳnh Dũng nhân dành hẳn một chương IV viết về giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh covid 19. Những câu thơ, khi trăn trở đầy ẩn ức: “Hãy ngồi yên, Ngơ ngác, Cả đời mình”..” Hãy ngồi yên, Bởi trái đất, Không yên”…- tr 95. Khi hài hước, tếu táo, rất Huỳnh Dũng Nhân; “Anh lạc giữa dòng người che mặt’- Tr 93; “Đời ta chỉ một kiếp này; Mỗi giờ mỗi phút lên “Phây” nguyện cầu’…
Tôi thích hơn cả trong tập thơ là những bài anh viết về gia đình và những vùng đất anh đã sống, đã đi qua. Gia đình nhà báo, nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân hiện lên trong tập thơ với đầy đủ những sắc màu ấm êm, hài hước và cũng đầy những nỗi niềm về con cái, về tương lai, về tình yêu và hạnh phúc.
Nếu nói về thơ tình, thì có lẽ đây là những trang tình nhất trong tập thơ. Ở đó, phảng phất một tình cảm sâu đậm anh dành cho vợ: “Đường dài nhưng vẫn bên nhau; Thầm dặn đừng buông tay nhé”- Viết cho ngày 14/2-tr8. “Em đi anh vẽ dấu chân; Từ hôm qua đến ngàn lần mai sau; Phố quen chứ có quên đâu; Chỉ là phố đã thành câu chuyện tình”- Phố quen- tr 11. “…
Làm báo, viết báo, dạy học, Huỳnh Dũng Nhân “quen bao người thiên hạ; yêu thương ngập kiếp người” nhưng trong trái tim anh, gia đình là một giá trị thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Anh dành rất nhiều trang thơ cho mẹ; “ Hạnh phúc khi còn mẹ; Mấy ai được mẹ ru, Như thuở nào thơ bé ” – Đi Vũng Tàu thăm mẹ- tr 28. Cho các con: “Lâu quá hai đứa không về thăm ba; Mùa hè hứa rồi mùa xuân cũng lỡ; Tết này chắc lại mong lại nhớ; Hai con nơi xa chẳng biết lúc nào về "- Gửi hai con nơi xa thời Covid-tr 25.
Anh có cô con gái nhỏ tên Thảo Nguyên, rất đa tài và cá tính. Tập thơ có vài bức vẽ minh hoạ do Thảo Nguyên vẽ và rất nhiều trang Huỳnh Dũng Nhân dành cho con gái nhỏ, mà anh gọi đó là : “Niềm vui của ba”- tr 16. Qua bài thơ, dễ dàng hình dung hình ảnh ấm êm của gia đình anh, khi ba ngồi ngắm con gái vẽ : “Ly trà bỗng thêm ngon, Đêm lung linh huyền ảo; Thế giới muôn sắc màu; Trong bức tranh thơ dại’. “Con gái đi học vẽ” còn là gạch nối để nhà thơ nhớ về một thời đã xa: “con làm ba nhớ một thời, chiến tranh, học vẽ ở nơi cuối làng, Cái thời dép chẳng có mang, Vừa vẽ vừa rét vừa mong hết giờ ”- tr 18.
Những ai đọc “Một thời mũ rơm, mũ cối” sẽ hiểu nỗi nhớ này của Huỳnh Dũng Nhân. Và hiểu, sao trong lòng anh có nhiều nỗi nhớ đến thế, không phải chỉ nhớ người, nhớ cảnh, nhớ đất, mà anh còn nhớ thời hoa niên sôi nổi, anh còn nhớ những ký ức, đó là một dạng "Nhớ thời gian": “Khi ta trẻ là khi trời đất trẻ; Vẫn nhớ thương những khoảnh khắc diệu kỳ; Yêu rồi ghét cứ như là tận thế; Em thế nào thì cứ thế mà đi”- tr 41.
Huỳnh Dũng Nhân luôn đau đáu ký ức của một Hà Nội xưa cũ, tuổi thơ của anh... |
Hà Nội, là nơi chứa đựng nhiều kỷ niệm và nỗi nhớ của Huỳnh Dũng Nhân, anh dành cho Hà Nội khá nhiều ý thơ đẹp mộng mị. “Tôi mang tôi ra Hà Nội cuối thu; Hoa cúc hoạ mi xếp hàng đón tôi ngoài phố; Tôi lang thang Hồ Tây mùa này se sẽ gió; Chuyến xe nửa đêm gió thốc lá vàng”- Tôi và mùa thu Hà Nội- tr 59.
Huỳnh Dũng Nhân yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội và đôi lúc anh cũng ghét, cũng hờn giận vùng đất ấy. Bởi vì vùng đất mỗi ngày một khác đi, mà ký ức của Huỳnh Dũng Nhân vẫn còn như cũ, lòng anh vẫn như khăn mới thêu, vẫn như thời “mơ về Hà Nội, để thương áo len cài vội”. Khi hờn giận, anh muốn “Chạy trốn”: “Tôi trốn vào ký ức : Những thằng bạn thân hồi xưa nay đã khuất; Những chủ nhà mới hỏi tôi: Anh tìm nhà ai? Tôi có tìm ai đâu, tôi đi tìm ký ức”- tr 48.
Nhưng kể cả khi “trốn về trời Nam” rồi, thì ở trời Nam đó, lúc cô đơn, anh vẫn tự vấn và hờn trách Hà Nội: “ Hà Nội mùa này thu đã về chưa; Tôi đến sớm hay là thu về trễ; Mỗi chờ mong mà sao khó thế; Cứ trốn tìm mòn cả lối quen xưa”- tr 44. “Hơn nửa đời người rồi tôi vẫn là gã lang thang”- tr 61.
Thơ, có lẽ khác bài báo ở điểm đó, con người thơ ca cũng khác con người làm báo ở điểm đó. Tôi gọi đó là điểm mơ mộng đãng trí, nhân cách thứ hai, nội tâm sâu thẳm, thích "xuyên không" để trở về ngày hôm qua trong hình hài hôm nay. Để, một Huỳnh Dũng Nhân “hơn một nửa thế kỷ; Rút ruột chữ tơ tằm; Đi cùng nơi khắp chốn; Một bước chân ngang tàng”, lại ngồi giữa Sài Gòn mà nhớ Hà Nội, thương miền Trung, trả nợ ân tình Bến Tre và thậm chí, quay lại tâm tư một chàng trai mới lớn; “ Bỗng lại hờn lại nhớ; Đời là một mình thôi”- tr 32.
Đời một trang nam tử, nổi tiếng với tuyên ngôn: “thời gian một chiều, đi mãi rồi hết, Đi, yêu và viết; Không có gì ngoài cả cuộc đời”, phải tha thiết như thế, anh Huỳnh Dũng Nhân! Tha thiết để khi trở về, “an yên với tổ ấm gia đình”-tr 122, anh hết hờn, chỉ còn nhớ thôi, vì nỗi nhớ, không làm đau ai cả, nó chỉ làm cho tất cả những gì đẹp đẽ nhất trong ký ức, sẽ còn ở lại mãi bên ta. Tháng, năm, hay những phiến đá sầu, những điều dở dang, những gì chưa nói, đều không còn là điều phải bận tâm nữa, khi mỗi ngày, ta đã “cháy hết mình khao khát, bao dung”…khi mỗi ngày, anh vẫn có một dấu yêu dặn dò: “Trời lạnh lắm nhớ mang theo áo ấm”; Lời dặn em hoá cái kén nồng nàn; Che kín đất trời gã đàn ông phiêu lãng; Đông về rồi vẫn áo vải lang thang”...