Năm 2015 sắp qua đi, là năm có nhiều biến động nổi bật trong lĩnh vực quân sự. Đồng thời, 2015 cũng được đánh giá là năm xảy ra nhiều cuộc xung đột lợi ích giữa các cường quốc thế giới.
Xâu chuỗi các sự kiện quân sự trong năm vừa qua, báo "Bình luận quân sự" của Nga ngày 25/12 đã bình chọn 10 sự kiện sau là những sự kiện quân sự nổi bật nhất trong năm 2015.
1. Phô trương các loại vũ khí, khí tài quân sự trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Moscow
Ngày 9/5/2015 tại Quảng Trường Đỏ ở Thủ đô Moscow đã diễn ra Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng vĩ đại với sự tham gia của 16.000 binh lính, 143 máy bay quân sự, 194 đơn vị kỹ thuật quân sự.
Trong số những loại vũ khí hiện đại của Nga được trình làng trong lễ duyệt binh có tổ hợp tên lửa cơ động Yars; tổ hợp tên lửa chiến dịch – chiến thuật Iskander-M; hệ pháo tự hành Msta-S; các phương tiện phòng không hiện đại Tor-M2U, Pantsir-S1, S-400 Tryumf; xe chiến đấu bọc thép BTR-82A, T-90, BTR- Rakushka và BMD-4M.
Điểm nhấn quan trọng trong lễ duyệt binh là sự phô trương của các loại vũ khí triển vọng như các thiết bị kỹ thuật bọc thép – bệ xe bánh xích Armata và Kurganets, xe bánh lốp Bumerang. Trên cơ sở Armata, Nga đã chế tạo hàng loạt các thiết bị kỹ thuật quân sự như xe tăng T-14, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15, bệ pháo tự hành 152 mm Coalition-SV.
2. Hội thao quân sự quốc tế “Army-2015”
Hội thao diễn ra từ 1-15/8/2015, trong đó đã tổ chức 14 cuộc thi về kỹ năng chỉ huy trên bộ, trên không và trên biển. Tham gia Army-2015 có sự góp mặt của 57 đội từ 17 quốc gia với tổng số hơn 2000 quân nhân.
Cuộc thi có tất cả 480 bộ huy chương được trao cho những người chiến thắng, trong đó giành cúp toàn nội dung là đội của Nga.
Để bảo đảm cho cuộc thi, lực lượng vận tải thuộc Bộ Quôc phòng Nga đã chở hơn 279 đơn vị vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật quân sự đến thao trường. Các cuộc thi được tổ chức tại lãnh thổ 3 quân khu – miền Tây, miền Trung và miền Nam, đồn trú tại 10 chủ thể Liên bang Nga.
3. Thành lập quân chủng mới thuộc các lực lượng vũ trang Nga
Ngày 3/8/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố thành lập Quân chủng mới – Lực lượng không quân vũ trụ.
Theo đó, lực lượng này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8.
Lực lượng không quân vũ trụ được thành lập với sự hợp nhất của Không quân và Bộ đội đường không vũ trụ.
Đây được cho là phương án tối ưu để cải tiến hệ thống phòng thủ đường không vũ trụ của Nga dưới sự chỉ huy thống nhất.
Sự thống nhất tất cả các lực lượng (gồm không quân, bộ đội phòng không và phòng thủ vũ trụ, các lực lượng vũ trụ và phương tiện của các lực lượng vũ trang Nga) cho phép hoạch định nhanh chóng chính sách phát triển quân sự, giải quyết các nhiệm vụ trong lĩnh vực đường không vũ trụ, nâng cao hiệu quả sử dụng các lực lượng này và bảo đảm phát triển liên tục, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.
4. Hoàn thiện xây dựng 6 căn cứ quân sự mới tại Bắc Cực
Vào tháng 1/2015, Nga đã hoàn thiện các giai đoạn tổ chức thành lập binh đoàn mới trên cơ sở Hạm đội biển Bắc của Nga. Bộ Tư lệnh chiến lược thống nhất “Phía Bắc” được thành lập nhằm mục đích bảo vệ các lợi ích quốc gia Nga ở khu vực Bắc Cực và thực chất đây là quân khu mới và thứ 5 của các lực lượng vũ trang Nga.
Trong thành phần của Bộ Tư lệnh gồm các lực lượng của Hạm đội Biển Bắc, các đơn vị và binh đoàn của các lực lượng không quân vũ trụ và lục quân. Khu vực đảm trách của binh đoàn mới là tất cả khu vực Bắc Cực của Liên Xô cũ đến cực bắc.
Hiện nay, Nga đang chuẩn bị 6 căn cứ quân sự trên các đảo Kotelniu (Quần đảo NovoSiberi), Zemlya Alexandra (nằm trong quần đảo Zemlya Franz Josef Land), Sredni (Severnaya Zemlya), cũng như trong làng Rogachevo (Novaya Zemlya), tại mũi Schmidt và đảo Wrangel (nằm trong khu tự trị Chukotka).
5. Diễn đàn kỹ thuật - quân sự quốc tế “Army-2015”
Vào tháng 6 vừa qua, tại thành phố Kubinka cách Moscow không xa đã mở một công viên văn hóa và nghỉ nghơi dành cho các lực lượng vũ trang Nga tên là "Patriot".
Tại đây từ ngày 16 - 19/6 đã tổ chức diễn đàn kỹ thuật - quân sự quốc tế Army-2015. Trên khuôn viên với diện tích 5.414 ha đã bố trí trưng bày các sản phẩm vũ khí, khí tài quân sự của hơn 800 xí nghiệp đến từ 70 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, công viên "Patriot" vẫn mở cửa thường xuyên cho khách thăm quan.
6. MAKS-2015
Triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2015 lớn nhất của Nga đượс tổ chức tại thành phố Zhukovsky, Moscow từ ngày 25-30/8 và đã có hơn 404.000 khách tham dự với các hợp đồng đã ký kết trị giá trên 5,3 tỷ USD.
Có khoảng 760 công ty từ 35 quốc gia đã tham gia vào sự kiện triển lãm hàng năm.
Trong năm 2015, MAKS đã chứng minh rằng cho dù những căng thẳng chính trị hiện nay giữa nước chủ nhà với các quốc gia phương Tây và những khó khăn về kinh tế Nga đang phải đối mặt, nhưng sự quan tâm đến sản phẩm hàng không vũ trụ của Nga, công nghệ và thị trường hàng không vũ trụ của đất nước vẫn còn được quan tâm đặc biệt.
Những chiếc máy bay khổng lồ như Boeing và Airbus cùng với hàng loạt máy bay khác của các hãng hàng không nổi tiếng thế giới đã được trưng bày tại triển lãm MAKS-2015 và đồng thời có sự tham gia tích cực trong các cuộc đàm phán với các đối tác của Nga từ các quan chức ngành công nghiệp và chính phủ.
7. Chiến dịch quân sự ở Syria
Theo đề nghị chính thức của Damascus, ngày 30/9 lực lượng không quân vũ trụ Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria. Căn cứ không quân Hmeymim gần thành phố Latakia được chọn làm nơi tập kết lực lượng của Không quân Nga.
Để vận chuyển các phương tiện vật chất Nga đã huy động các tàu vận tải quân sự của Hạm đội Biển Đen, đồng thời mua thêm 8 tàu chở hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu từ các nguồn tin khác nhau, ngay từ khi bắt đầu chiến dịch không kích tại Syria, nhóm không quân Nga tại đây được trang bị 12 máy bay ném bom chiến trường Su-24M, 12 cường kích Su-25SM, 4 tiêm kích Su-30SM, 6 máy bay ném bom Su-34 và các máy bay trực thăng vận tải Mi-24 và Mi-8AMTSh.
Tại căn cứ nơi không quân Nga đồn trú cũng bố trí tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 và tổ hợp tác chiến điện tử Krasuha-4.
Sáng ngày 7/10 từ khu mặt nước Biển Caspian, chiến hạm của Hạm đội Caspian đã phóng 26 quả tên lửa có cánh Calibre vào các mục tiêu quân sự của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS). Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng tên lửa có cánh trong thực chiến.
Ngày 20/10, Bộ Quốc phòng Nga và Lầu Năm Góc đã ký biên bản ghi nhớ quy định hoạt động của không quân các bên trên bầu trời Syria.
Ngày 31/10, máy bay chở khách A-321 của Hãng hàng không Nga bị rơi tại bán đảo Sinai (Ai Cập) làm 224 người thiệt mạng. IS đứng ra nhận trách nhiệm gây nên thảm họa hàng không này.
Ngày 17-18/11, Nga đã điều động không quân tầm xa, gồm máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, Tu--160, Tu-95 tấn công các mục tiêu quân sự và công nghiệp của IS tại Syria.
Ngày 7/12, Nga lần đầu tiên phóng tên lửa có cánh từ tàu ngầm "Rostov-on-Don» tiêu diệt khủng bố.
8. Căng thẳng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 24/11 – ngày sinh của vị thống soái vĩ đại Nga Alexander Suvorov, máy bay ném bom chiến trường Su-24M của Nga đã bị máy bay tiêm kích F-16S của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên lãnh thổ Syria.
Phi công lái máy bay Su-24M thiệt mạng, hoa tiêu may mắn thoát chết. Trong thời gian tiến hành chiến dịch cứu hộ tìm kiếm phi công Su-24M thêm một lính Nga bị giết chết.
Giới lãnh đạo chính trị Nga đánh giá hành động bắn hạ Su-24M là một hành động mang tính thù địch.
Ngay sau đó, Nga đã quyết định tăng cường sức mạnh cho lực lượng quân sự của Nga đang thực hiện nhiệm vụ ở Syria bằng việc triển khai hệ thống tên lửa S-400 tại căn cứ Hmeymim và nhiều loại vũ khí hiện đại khác.
Hiện nay, quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục xấu đi.
9. Bắt đầu cung cấp Su-35 cho Không quân Trung Quốc
Năm 2015 là năm đánh dấu bước ngoặt mới trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Nga đã ký hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 24 Su-35, máy bay tiêm kích đa năng thế hệ thứ 4++.
Được biết, thỏa thuận về hợp đồng này được tiến hành từ năm 2008 với tổng giá trị lên tới 2 tỷ USD ( hơn 83 triệu USD/ 1 máy bay). Như vậy, Trung Quốc đã trở thành khác hàng đầu tiên mua loại máy bay siêu hiện đại này của Nga.
Tuy nhiên, theo hợp đồng, Trung Quốc sẽ không được lắp đặt các thiết bị hàng không của mình cho máy bay Su-35 mà nước này mua của Nga và sản xuất tại các xí nghiệp của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc và Nga đang tiến hành tăng cường hợp tác kỹ thuật – quân sự, trong đó hợp đồng cung cấp Su-35 là một minh chứng. Trước đó, Nga cũng đã cung cấp cho Bắc Kinh nhiều loại vũ khí hiện đại như Su-27, S-400, S-300, Tor, Buk, Tunguska, các tàu ngầm diezel – điện lớp Lada…
10. Xung đột tại Biển Đông
Việc tranh chấp quốc tế đòi hỏi chủ quyền quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong năm 2015 thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.
Gần đây, Trung Quốc đã chính thức tuyên bố chủ quyền các hòn đảo ở khu vực tây nam Biển Đông và bắt đầu khai thác ở đây.
Hiện nay, tranh chấp các hòn đảo này gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia. Trong năm 2015, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông càng trở nên căng thẳng khi Mỹ quyết định tích cực can thiệp.
Vào tháng 10, Lầu Năm Góc đã điều tàu khu trục Lassen áp sát các đảo tranh chấp mà Trung Quốc đang cải tạo (phi pháp) trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, Washington tuyên bố có quyền hiện diện tại khu vực, còn Bắc Kinh lên tiếng phản đối và nói rằng sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ chủ quyền (phi pháp) của mình.
Nguyễn Hoàng