Đây là lần đầu tiên người dân thành phố Lorient và tỉnh Morbihan được tham dự một hoạt động lớn mang đậm màu sắc văn hóa của Việt Nam.
Sự kiện do Hiệp hội Vietnam Bretagne Sud, kết hợp với Hội đồng thành phố Lorient và Hiệp hội Art Space tổ chức, với sự tham gia của ông Fabrice Loher, Thị trưởng thành phố Lorient; bà Morgan Christien, Phó Thị trưởng phụ trách Giáo dục và An sinh xã hội của thành phố Lorient; ông Alain Le Brusq, Phó Thị trưởng phụ trách Thương mại và Kinh tế của thành phố Lorient; ông Laurent Duval, Thị trưởng thành phố Languidic; ông Patrice Valton, Thị trưởng thành phố Larmor-Plage, bà Réjine Le Normand, Phó Thị trưởng thành phố Larmor-Plage; và bà Pascale Douniou, Phó Thị trưởng thành phố Quimperlé.
Hơn một ngàn người dân Pháp đã đến và có quãng thời gian trải nghiệm, khám phá trò chơi dân gian, thư pháp và ẩm thực Việt trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một sự kiện liên quan đến văn hóa Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn tại thành phố Lorient, gồm các hoạt động đa dạng, hấp dẫn, giúp người dân hiểu thêm về một đất nước Việt Nam nhiều màu sắc và có bề dày văn hóa lịch sử.
Điệu múa Xây nhà trên nương được trình diễn bởi các em bé người Pháp và người Việt sinh ra tại Pháp |
Các bạn Pháp rất ấn tượng bởi màn trình diễn Múa Lân |
Điệu múa Xây nhà trên nương được trình diễn bởi các em bé người Pháp và người Việt sinh ra tại Pháp |
Từ các gian hàng khám phá nghệ thuật thư pháp, trò chơi dân gian, các món ăn đặc biệt ngày Tết để quảng bá ẩm thực, cho đến đoàn múa lân sư rồng gồm 8 con lân, đều kể cho người dân nước Pháp nghe những câu chuyện về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống.
Điểm nhấn đặc biệt của sự kiện là chương trình nghệ thuật với 15 tiết mục đặc sắc để quảng bá âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam, quy tụ gần 100 tình nguyện viên và các nghệ sĩ không chuyên tới từ nhiều thành phố của Pháp như Paris, Nantes, Rennes, Laval, Toulouse, Lorient… Các tiết mục được lựa chọn trình diễn đều được dàn dựng công phu, nhiều màu sắc và thể hiện rõ sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hơi thở hiện đại, từ điệu múa "Hồn sen Việt", múa "Bèo dạt mây trôi" cho tới các bài hát mang đậm không khí mùa xuân như "Đoản Xuân Ca", "Tết đến thật rồi", "Vui như Tết"…
Bộ sưu tập Áo dài của nhà thiết kế người Bỉ gốc Việt Ella Phan cũng được các cô gái người Pháp và Việt kiều trình diễn trên sân khấu.
Các tiết mục nghệ thuật quảng bá âm nhạc Việt Nam được đầu tư quy mô và đầy màu sắc |
Nhóm nhạc cụ dân tộc đến từ thành phố Rennes |
Phần biểu diễn Võ Việt Nam rất được các bạn Pháp yêu thích |
Văn hóa Việt Nam được lưu giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ người Việt tại Pháp nhờ những sự kiện như "Tết Thăng Long"
Chương trình nghệ thuật "Tết Thăng Long" đã mang tới những khoảnh khắc khó quên cho người dân Pháp ở thành phố Lorient nói riêng và ở vùng Morbihan nói chung.
Không thể không nhắc đến màn biểu diễn hoành tráng bởi Dàn hợp xướng gồm 50 thành viên người Pháp và người Việt tại Pháp đủ mọi lứa tuổi, từ các bạn học sinh tới những người Pháp đã đi làm hay đã về hưu nhưng mang trong mình trái tim và tình cảm yêu thương với Việt Nam. Tập luyện ròng rã trong hai tháng cho tới ngày biểu diễn, dàn hợp xướng Việt-Pháp đã trình diễn ca khúc “Trống cơm” bằng tiếng Việt trước gần 1000 khán giả của sự kiện. Kevin Nguyen, một trong những saxophonist nhỏ tuổi người Pháp gốc Việt, cũng tham gia trình diễn cùng dàn hợp xướng với phần solo kèn saxophone bài "Trống cơm" khiến khán giả vô cùng bất ngờ và thích thú.
Bên cạnh đó, dàn hợp xướng còn biểu diễn ca khúc Pháp “Le monde nous appartiendra” trong đó có một phần lời đã được Việt hóa bởi nhạc sĩ Hoàng Thu Trang.
Bà Dalilah Flécher, người Pháp sống tại Lorient, thành viên dàn hợp xướng, chia sẻ:
“Tôi không nghỉ buổi tập nào trong hai tháng qua, tôi thậm chí còn nghe lại và tập hát nhiều lần ca khúc Trống Cơm tại nhà để phát âm được chuẩn hơn. Tôi rất yêu văn hóa Việt và tôi có rất nhiều người bạn Việt Nam. Với tôi, được hát tiếng Việt trong một sự kiện lớn như sự kiện Tết Thăng Long, là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Bạn biết không, tôi đã lên sân khấu trong chiếc áo dài Việt Nam do chính mình tự cắt may đấy”.
Một tiết mục nữa cũng ghi dấu ấn trong lòng khán giả là phần biểu diễn của dàn nhạc dân tộc "Mầm Trẻ" đến từ thành phố Rennes với gần 20 thành viên cả người Việt và người Pháp, trong đó có rất nhiều bạn nhỏ là thế hệ Việt kiều thứ hai sinh ra và lớn lên tại Pháp. Dàn nhạc dân tộc còn có sự tham gia của các bạn người Pháp ở các vị trí như thổi sáo trúc hay đánh trống dân tộc.
Các em bé người Pháp trong trang phục áo dài Việt Nam |
Dường như, văn hóa Việt đã chạm được tới trái tim rất nhiều những người bạn nước Pháp, khiến họ sẵn sàng học để nói tiếng Việt, hát tiếng Việt, khoác lên mình chiếc áo dài Việt và thậm chí chơi một nhạc cụ dân gian Việt Nam, những điều vốn không hề dễ dàng.
Bà Thúy Kernen, Chủ tịch Hiệp hội Vietnam Bretagne Sud, chia sẻ:
“'Tết Thăng Long' không chỉ là dịp để kiều bào tại Pháp cùng nhau hướng về cội nguồn, san sẻ nỗi nhớ quê hương và khẳng định tình đoàn kết dân tộc. Đây còn là cơ hội để chúng tôi tự hào giới thiệu những nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam tới công chúng Pháp, cũng như để kết nối, giao lưu giữa các thế hệ người Việt với bạn bè quốc tế. Rất nhiều khán giả Pháp đã nói với chúng tôi về mong ước muốn tới Việt Nam du lịch và khám phá ẩm thực, âm nhạc, các phong tục truyền thống mà họ đã được trải nghiệm sau khi tham gia chương trình 'Tết Thăng Long' của chúng tôi”.