Tại Hội thảo khoa học An toàn cây xanh đô thị trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết số cây xanh gãy, ngã đổ từ năm 2013 đến 2016 có xu hướng tăng.
Chỉ tính riêng năm 2016, TP.HCM đã xảy ra 579 trường hợp cây bị gãy nhánh, 216 cây bị ngã đổ, làm chết 2 người, bị thương 9 người. Mỗi khi thành phố có mưa to, gió lớn, lãnh đạo Sở GTVT lại rất hồi hộp lo sự cố cây xanh gây thương vong cho nhiều người đi đường.
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng phòng quản lý công viên cây xanh (Sở GTVT), TP.HCM hiện có hơn 122.650 cây xanh đường phố, trong đó có khoảng 6.000 cây loại 3 có tuổi đời từ trên 15 đến 20 năm, dễ bị tổn thương, đổ gãy khi có mưa, gió, lốc. Các loại cây xanh trồng trước đây rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng đường phố, không gian kiến trúc và quy mô dân cư, hạ tầng.
Tuy nhiên, do sự phát triển mạnh của đô thị, nhà cao tầng mọc lên che lấp cả không gian sinh tồn của cây xanh. Ngoài ra, các công trình hạ tầng ngầm ngày càng nhiều và kiên cố đã lấy đi đất, mạch nước nuôi dưỡng cây...
Tình trạng một số người chủ động xâm hại cây xanh do vướng mặt tiền nhà, quan niệm phong thủy không hợp... cũng như sự thiếu ý thức của một số chủ đầu tư, đơn vị thi công các công trình ngầm (điện, nước, chiếu sáng, cáp...); tình trạng triều cường gây ngập làm thối rễ cây đã khiến cây xanh ngày càng mất an toàn.
Để đảm bảo an toàn, ông Dũng đề xuất UBND thành phố ban hành quy định về xây dựng hạ tầng không xâm hại, ảnh hưởng đến cây xanh với các chế tài đủ mạnh, đồng thời cần xác định giới hạn tuổi của từng loại cây để thay thế kịp thời.