Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, lũy kế 11 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước thực hiện đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán pháp lệnh năm 2023, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 95,4% dự toán, giảm 3%; thu từ dầu thô ước đạt 135,9% dự toán, giảm 19,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 86,5% dự toán, giảm 22,4% so cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù tình hình kinh tế đã có nhiều khởi sắc trở lại từ đầu quý III/2023, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn còn khó khăn; thị trường bất động sản chậm phục hồi; kết hợp với việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất làm giảm thu ngân sách.
Các khoản thu trực tiếp từ 03 khu vực sản xuất - kinh doanh ước đạt 94,6% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ, trong đó: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 96% dự toán, tăng 0,5% so cùng kỳ năm 2022; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 93,2% dự toán, giảm 2,6%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 94,6% dự toán, tăng 4,3%.
Có 03 khoản thu không đạt tiến độ dự toán là: Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 52,6% dự toán, giảm 17,4% so cùng kỳ, do thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu theo các Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và số 30/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thu từ các loại phí, lệ phí ước đạt 86,8% dự toán, giảm 13,6% so cùng kỳ, chủ yếu do giảm thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và thực hiện chính sách cắt giảm phí, lệ phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân (như: Thông tư 44/2023/TT-BTC quy định giảm mức thu từ 10-50% đối với 36 khoản phí, lệ phí...).
Các khoản thu về nhà, đất ước đạt 78,9% dự toán, giảm 37% so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản chậm phục hồi; công tác đấu giá, cấp quyền sử dụng đất tại nhiều dự án ở địa phương không triển khai được; hoặc triển khai nhưng không có nhà đầu tư trúng đấu giá.
Có 27 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng đạt trên 95% dự toán; 13 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Thực hiện chi NSNN 11 tháng ước đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt 63,4% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 36,3% (khoảng 122,7 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt 84% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 81,3% dự toán.
Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1,49 triệu đồng lên mức 1,8 triệu đồng đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ 01/7/2023.
Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 21,57 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Trong 11 tháng đã thực hiện phát hành 278,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,43 năm, lãi suất bình quân 3,26%/năm.