Hôm nay (18/1) ĐHQG TP.HCM chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực (ĐGNL) 2019.
Kỳ thi đánh giá năng lực sẽ được tổ chức hai đợt thi vào tháng 3/2019 và tháng 7/2019. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng như một phương thức xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM.
Ở đợt 1, từ ngày 18/1-28/2, ĐHQG TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi. Lệ phí dự thi là 200.000 đồng thông qua các hình thức: thanh toán trực tiếp, chuyển khoản qua ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng Ví MoMo. Ngày thi diễn ra ngày 31/3, sau đó kết quả của kỳ thi sẽ được công bố vào ngày 10/4. Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 sẽ được tổ chức tại TP.HCM và tỉnh Bến Tre.
Ở đợt 2, thời gian mở cổng đăng ký dự thi ttừ ngày 15/4-31/5, tổ chức thi vào ngày 7/7, công bố kết quả thi vào ngày 15/7. Kỹ thi sẽ được tổ chức tại TP.HCM, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ hoặc An Giang), khuc vực miền Trung (Quy Nhơn hoặc Đà Nẵng). Từ ngày15/4-15/6 sẽ mở đăng ký xét tuyển vào ĐHQG TP.HCM
Thí sinh có thể đăng ký dự thi 1 đợt hoặc cả 2 đợt. Nếu thí sinh dự thi nhiều hơn một đợt thì kết quả thi cao nhất sẽ được sử dụng để xét tuyển.
Năm nay, ngoài các đơn vị thành viên của ĐHQG TP.HCM , kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực còn được 8 trường ĐH, CĐ khác sử dụng để xét tuyển trong năm 2019 gồm: Trường ĐH An Giang, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Lạc Hồng, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Thủ Dầu Một và Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá Chất lượng Đào tạo, ĐHQG TP.HCM, cho hay chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức ĐGNL năm 2019 chiếm tối đa 40% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành. Thí sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc của ĐHQG TP.HCM. Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường Đại học và Cao đẳng ngoài hệ thống ĐHQG TP.HCM (không giới hạn số nguyện vọng) có sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL để tuyển sinh”.
Theo đó, bài thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Xét về cấu trúc, bài thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích vốn được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề của bài thi TSA.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: (1)Sử dụng ngôn ngữ, (2) Toán học, Tư duy logic và phân tích số liệu, (3) Giải quyết vấn đề. Nội dung bài thi được tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức lẫn tư duy dưới hình thức cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản.
Bài thi ĐGNL gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần Sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.