2 Vụ thuộc Bộ GD-ĐT tiếp tay cho Đại học Đông Đô cấp bằng giả thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
 Dù ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2, nhưng Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính vẫn đăng tải đề án tuyển sinh của trường này.
2 Vụ thuộc Bộ GD-ĐT tiếp tay cho Đại học Đông Đô cấp bằng giả thế nào?

Liên quan tới vụ việc Đại học Đông Đô cấp hơn 600 văn bằng giả, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho rằng ngoài làm rõ vai trò trách nhiệm để xử lý các bị can, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của trường này.

2 Vụ tiếp tay cho ĐH Đông Đô

Theo kết luận điều tra, quá trình hoạt động, Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định của Bộ.

Tuy nhiên, vào các năm 2015, 2016, 2017, Vụ Giáo dục Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) lại liên tiếp có các thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho Đại học Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Cụ thể, ngày 12/1/2015, Đại học Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 (trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy).

Sau đó 3 tháng, ngày 1/4/2015, Bộ GD-ĐT có thông báo số 173 của Vụ Kế hoạch Tài chính do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng ký gửi Đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cho thấy đơn vị này đã xác nhận cho trường tuyển 500 chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy.

Chưa hết, ngày 14/1/2016, Đại học Đông Đô có công văn gửi Bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó đăng ký 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Đúng 10 ngày sau, 24/2/2016, Bộ GD-ĐT tiếp tục có thông báo do ông Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính ký cho phép trường tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy ở khối ngành III, V và VII. 

Ngày 7/2/2017, Đại học Đông Đô lại có công văn gửi Vụ Kế hoạch Tài chính đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó có 150 chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2.

Đồng thời với việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh gửi Vụ Kế hoạch Tài chính, Trường Đại học Đông Đô cũng gửi Vụ Giáo dục Đại học đề án tuyển sinh năm 2017 và được Vụ Giáo dục Đại học cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có 150 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.

Ngày 7/3/2017, Vụ Kế hoạch Tài chính ra thông báo số 136, xác nhận cho trường Đại học Đông Đô tuyển 150 chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài Chính ký.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2018, theo quy định Bộ GD-ĐT không ký thông báo chỉ tiêu tuyển sinh gửi các cơ sở giáo dục đại học. Nhưng trong năm 2018, Đại học Đông Đô vẫn tiếp tục gửi đề án tuyển sinh đến Vụ Giáo dục Đại học và được đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, nội dung đề án có 400 chỉ tiêu hệ văn bằng 2.

Dựa vào kết quả điều tra trên, Cơ quan An ninh điều tra xác định các cá nhân thuộc Vụ Kế hoạch Tài chính và Vụ Giáo dục Đại học thực hiện thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, đăng tải đề án tuyển sinh của Đại học Đông Đô (có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy) trong khi Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 là có dấu hiệu vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

Cơ quan An ninh điều tra cho rằng những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định. Do đã hết thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan An ninh đã tách nội dung này ra để xem xét, xử lý sau.

Trả lời VTC News về ngày 26/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện tại, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu các đơn vị đào tạo phối hợp với công an để cùng rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học làm căn cứ xử lý.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền về những trường hợp đã sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

Cấp 193 bằng giả

Cơ quan An ninh điều tra xác định, kẻ chủ mưu trong vụ án cấp bằng giả là bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Viện trưởng Viện Đào tạo và Phát triển công nghệ 4.0 của Đại học Đông Đô, tuy nhiên do ông Hùng đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra quyết định tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Theo kết luận điều tra, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2; lợi dụng chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, từ tháng 4/2017, ông Hùng chỉ đạo Trần Kim Oanh (SN 1978, nguyên Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục) và Dương Văn Hòa (SN 1983, nguyên Hiệu trưởng Đại học Đông Đô) ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.

Quá trình điều tra, Đại học Đông Đô cung cấp hồ sơ tài liệu thể hiện có 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18,2 tỷ đồng. Trong số tiền đã thu, trường đại học này sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 Tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường và chi nhiều khoản khác.
Dưới sự chỉ đạo của ông Hùng, Dương Văn Hòa đã ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân; ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp đại học văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018...

Cơ quan điều tra xác định trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh cho 626 trường hợp, nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh.

Trong số 216 trường hợp nêu trên có 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng (số bằng này được cấp trong giai đoạn từ tháng 5/2018 đến tháng 3/2019).

Đối với 193 người được Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý cán bộ vi phạm theo quy định đối với 58 trường hợp sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô.

Đối với các trường hợp chưa sử dụng bằng, Cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT có quyết định hủy bỏ, thu hồi các bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy đã cấp cho các cá nhân không đúng quy định và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh do Đại học Đông Đô cấp không có giá trị.

Theo VTC News
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.