Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ghi nhận số ca bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh tăng dồn dập, hệ thống y tế công lập thành phố đã rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Trước tình hình này, thành phố đã triển khai các giải pháp giảm tải cho hệ thống y tế, thực hiện phân tầng điều trị, trong đó tập trung quản lý F0 không có biểu hiện triệu chứng, điều trị và theo dõi tại nhà.
Có rất nhiều trường hợp xác định F0 chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải), trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở Y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính, trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân COVID-19.
Những trường hợp kể trên được xác định thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do chưa biết tình trạng của bản thân ở mức độ nào, khi nào thì cần hay được đưa đi bệnh viện điều trị. Họ đang phải tự “bơi” giữa hàng loạt bài viết hướng dẫn tự điều trị trên mạng, thậm chí có những người còn không có khả năng truy cập mạng Internet để tìm kiếm thông tin. Họ không biết phải đi đâu, tư vấn trực tiếp với ai, hỏi chuyên gia Y tế nào, và không biết phải làm gì là chính xác nhất khi tự cách ly tại nhà. Đặc biệt, trong trường hợp trở nặng, việc không thể liên hệ được với cơ quan Y tế, chưa thể nhập viện do quá tải giường càng khiến bệnh nhân và người nhà mang tâm lý hoang mang, hoảng loạn.
Những cuộc gọi của y bác sĩ từ Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành như chiếc phao cứu sinh cho người bệnh
Việc triển khai kịp thời Mạng lưới thầy thuốc đã làm các bệnh nhân và người nhà cảm thấy phần nào được quan tâm và an ủi. Một lời hỏi han ân cần lúc yếu lòng và hoang mang đã như một chiếc phao cứu sinh cho họ.
Đội ngũ y bác sĩ đã nghỉ hưu, lương y, các chức sắc tôn giáo, Hội Chữ thập đỏ đã được kêu gọi cùng tham gia Mạng lưới, chung tay phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo người dân không có cảm giác “bị bỏ rơi”, từ đó đánh mất niềm tin vào cuộc sống cũng như hệ thống y tế nhà nước.
Một bệnh nhân đã xúc động nhắn tin cho đội ngũ bác sĩ: “Các anh chị có biết trong lúc tuyệt vọng nhất, tôi đã nhận được cuộc gọi từ các anh chị. Cuộc gọi gieo cho tôi tia sáng và niềm tin. Suốt cuộc đời còn lại, tôi cũng sẽ không quên được đêm này.”
Một người khác cũng chia sẻ: “Giữa muôn vàn khó khăn vì nhà chỉ có 2 người, mẹ F0 bệnh nền, con trai F0 thì không biết cách chăm sóc, tại nhà cũng không có thiết bị y tế. Không có các anh chị 'ném phao' thì người dân sẽ chết mất. Đó là những gì thật lòng nhất tôi cảm nhận được. Xin cám ơn.”
Những tin nhắn cám ơn và động viên của các bệnh nhân dành cho những y bác sĩ tình nguyện. |
Đội ngũ y bác sĩ của Mạng lưới đã góp phần quan trọng trong việc san sẻ gánh nặng cho hệ thống y tế
Các bác sĩ tư vấn sẽ gọi điện xác định nguy cơ của bệnh nhân theo thang từ 0 - 4 theo Danh mục tự kiểm hàng ngày. Các bệnh nhân NC0, NC1 sẽ được chuyển cho TNV là Nhân viên Y tế tiếp tục chăm sóc. Bệnh nhân NC2 sẽ được chính bác sĩ tư vấn theo dõi sức khỏe và tổ chức Telehealth trong trường hợp cần thiết. Từ NC2, thông tin của bệnh nhân được chuyển về đầu mối Y tế quận để cùng theo dõi. Bệnh nhân NC3, 4 sẽ được tổ chức tham gia Telehealth bởi đội ngũ Bác sĩ tư vấn chuyên sâu. Với bệnh nhân NC4, đội ngũ bác sĩ của mạng lưới sẽ ngay lập tức kết nối với y tế địa phương chuyển cấp cứu.
Theo thông tin từ Mạng lưới, chỉ trong 3 ngày hoạt động, 49.681 bệnh nhân tại thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được những cuộc gọi hỗ trợ tư vấn về sức khỏe và tinh thần từ 2.071 Bác sĩ và Nhân viên Y tế mọi miền đất nước. Trong số đó, gần 500 bệnh nhân hiện đang có triệu chứng nhưng còn ở nhà đã được hướng dẫn Y tế và theo dõi sát sao bởi các bác sĩ, 245 trường hợp được phối hợp với y tế địa phương chuyển lên cấp cứu và chuyển viện.
Gặp gỡ động viên các Y bác sĩ trong buổi tập huấn đợt 1 ngày 28/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định sự quan trọng của các y bác sĩ trong việc chăm sóc các đối tượng này từ xa: “Sự tham gia của các bạn từ khắp mọi nơi đều rất quan trọng để bất kỳ ai có triệu chứng về COVID-19 hay bệnh khác đều được xét nghiệm/thăm khám y tế ban đầu."
Mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" được thành lập nhằm huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho Y tế các tỉnh đang thực hiện chỉ thị 16 tăng cường.
Đối tượng chính Mạng lưới tập trung hỗ trợ là bệnh nhân Covid-19 cần hỗ trợ khẩn cấp, trường hợp xác định chưa kịp được đưa đến cơ sở y tế điều trị (do mới phát hiện hoặc do cơ sở quá tải), trường hợp xác định có chỉ định theo dõi điều trị tại nhà sau điều trị ban đầu tại cơ sở Y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trường hợp tiếp xúc có triệu chứng nhưng xét nghiệm gần nhất cho kết quả âm tính; trường hợp tiếp xúc nguy cơ cao vì ở chung trong không gian kín với bệnh nhân Covid-19.
Đây là nhóm đối tượng dễ tổn thương do chưa biết tình trạng của mình ở mức độ nào, khi nào thì mình cần phải/ được đưa đi bệnh viện điều trị; chưa biết phải gọi cho chuyên gia Y tế nào và ở đâu để hỏi ý kiến khi đang tự cách ly tại nhà; chưa liên hệ được cơ quan Y tế khi trở bệnh nặng hơn và dễ mang tâm lý hoang mang dẫn đến hoảng loạn.
Mạng lưới được vận hành như thế nào?
Hàng ngày, dữ liệu thông tin các ca bệnh xác định hoặc trường hợp nghi nhiễm nguy cơ cao được gửi về mạng lưới và được nhập liệu vào công cụ quản lý. Dữ liệu này được lấy từ các nguồn CDC các tỉnh và trực tiếp từ cuộc gọi đến các đường dây nóng.
3 lần một ngày, tình nguyện viên là Y bác sĩ, Nhân viên Y tế chủ động gọi điện, tư vấn y tế và ghi chép tình trạng bệnh (nếu có) thông qua Bảng Danh mục tự kiểm tra hàng ngày.
Thông tin về mức độ nguy cơ của từng ca bệnh sẽ được ghi nhận, gán nhãn. Đối với các trường hợp được xác nhận là nguy cơ cao, Hệ thống công nghệ sẽ gửi cảnh báo tới các cơ quan Y tế điều phối cấp cứu liên quan.