Bộ Y tế đã lấy gần 5.000 mẫu xét nghiệm, trong đó 11 mẫu từ vùng dịch, 205 mẫu ở các thai phụ. Kết quả xét nghiệm 212 ca nhiễm virus Zika, trong đó có 28 phụ nữ mang thai và một trường hợp ở Đăk Lăk sinh con bị dị tật đầu nhỏ.
Số người bệnh được ghi nhận nhiều nhất tại TP.HCM 186 ca, sau đó là Bình Dương 7, Khánh Hòa 6, Đồng Nai 4… Khu vực miền Bắc chưa ghi nhận bệnh nhân nào. Phần lớn bệnh nhân sốt rất nhẹ, có nhiều trường hợp thậm chí không có biểu hiện. Bệnh tăng ở khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên do có muỗi vằn (Aedes aegypti) lưu hành thường xuyên với mật độ cao. Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh Zika.
Virus Zika đã lưu hành trong quần thể muỗi tự nhiên tại Việt Nam. Vì thế, Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc. Bộ Y tế khuyến nghị người dân, đặc biệt là phụ nữ có thai và dự định có thai, thực hiện tốt phòng chống dịch để tránh lây truyền bệnh cho cá nhân và cộng đồng.
Virus truyền từ người nhiễm sang người lành qua trung gian là muỗi Aedes aegypti (còn được gọi là muỗi vằn). Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus Zika có ở vùng nhiệt đới nơi các quần thể muỗi lớn, lưu hành ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Môi trường nơi muỗi có thể sống và sinh sôi ngày càng mở rộng, tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika ở đô thị có khả năng xảy ra trên toàn cầu.
Trong năm, thế giới có 75 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện bệnh do virus Zika; 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận chứng đầu nhỏ và dị tật thần kinh trung ương ở trẻ có liên quan đến virus Zika.