Lễ Trao giải và Khai mạc Triển lãm Cuộc thi Ảnh Việt Nam 2020 có sự tham dự của bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội, ông Guido Hildner - Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam và ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay.
Theo bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội, cuộc thi Ảnh Việt Nam 2020 đã thu hút 1.985 tác phẩm dự thi ở tất cả các lĩnh vực: Phong cảnh của di sản và di tích, Chuyển giao và kế thừa văn hóa qua các thế hệ, Nghệ thuật và Sáng tạo, Sự hòa hợp của con người và thiên nhiên.
Những tác phẩm đẹp nhất do UNESCO lựa chọn sẽ được trưng bày tại các sự kiện quan trọng. Đồng thời, những tác phẩm thắng cuộc sẽ có cơ hội xuất hiện trong những ấn phẩm, sự kiện của UNESCO.
Buổi triển lãm cũng thu hút được sự quan tâm của công chúng trong nước. |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ CHLB Đức Guido Hildner cho biết: "Mỗi tác giả đều có hiểu biết rất sâu về đối tượng mình chụp hình, nhiều bài dự thi đã thể hiện các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa trong các làng nghề. Cũng có rất nhiều bức ảnh thể hiện các buổi trình diễn nghệ thuật, các khu bảo tồn thiên nhiên. Rất nhiều bài dự thi đã sử dụng những công nghệ hiện đại, điều này cho thấy công nghệ có thể là công cụ để thúc đẩy sáng tạo văn hóa".
Các tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi sẽ được trưng bày tại chuỗi không gian Toong. |
Dựa trên kết quả đánh giá và chấm điểm của các thành viên trong Ban Giám Khảo, 3 giải cao nhất được tài trợ phần thưởng từ Đại Sứ Quán Đức tại Hà Nội, mỗi giải tương đương với 1.000 USD. Đó là các tác phẩm: "Bạn Nghề" (tác giả Đinh Công Tâm); "Bức họa ven biển" (tác giả Ngô Thị Thu Ba) và "Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu" (tác giả Phan Vũ Trọng).
Đại sứ CHLB Đức Guido Hildner trao giải cho 3 tác phẩm đoạt giải cao nhất của cuộc thi. |
Ngoài ra, 10 giải Khuyến khích được tài trợ từ Tạp Chí Ngày Nay, mỗi giải tương đương với 5 triệu đồng, 15 người thắng cuộc được trao Giấy Chứng nhận vinh danh Giải thưởng từ đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Đại diện Tạp chí Ngày Nay trao thưởng cho các tác phẩm đạt giải Khuyến khích. |
Ông Nguyễn Hùng Sơn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay, khẳng định qua gần 2.000 tác phẩm tham dự, một lần nữa, công chúng lại có cơ hội được thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên, và văn hóa Việt Nam, thông qua con mắt của các nhiếp ảnh gia.
"Nếu nhìn vào những tác phẩm có mặt tại triển lãm hôm nay, sẽ dễ nhận ra một điều: những hình ảnh lộng lẫy được các nhiếp ảnh gia ghi lại, thực chất không hề được tạo ra một cách cố tình cho mục đích mỹ thuật. Trong các bức ảnh, đa số chỉ là những công cụ lao động, là mái nhà, là ruộng đồng, là những thân phận người dân Việt Nam bình dị", ông Sơn cho biết. "Đó chính là các giá trị mà UNESCO hướng tới và gìn giữ. Những trầm tích văn hóa xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời thường, giữa bình dị và sang trọng, giữa thô ráp và tinh tế."
Bức ảnh “Bạn Nghề” được tác giả Trương Công Tâm chụp sau sân khấu của một biểu diễn Hát Bội ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Điều độc đáo và ấn tượng nhất chính là ngắm nhìn các nghệ nhân hóa thân trong các vai tướng, vai vua ở các vở Hát Bộ tại Nam Bộ. Cách trang điểm, tô vẽ trên gương mặt đều được quy định rõ ràng cho từng nhân vật, người xem chỉ cần nhìn vào là có thể biết được diễn viên diễn vai gì. |
Chia sẻ về tác phẩm "Bạn Nghề" của mình, tác giả, bác sĩ Trương Công Tâm cho biết kể từ năm 2015, ông thường xuyên chụp ảnh hậu trường các buổi biểu diễn Hát Bội. "Là một người sinh ra ở vùng quê Hát Bội, tôi cảm thấy nghệ thuật của quê nhà đang dần bị mai một. Kể từ đó tôi nảy sinh ý định lưu giữ lại các hình ảnh về bộ môn nghệ thuật này nhằm trao truyền lại cho các thế hệ mai sau".
Bài dự thi "Bức họa ven biển" của tác giả Ngô Thị Thu Ba là một trong ba tác phẩm đoạt giải cao nhất của cuộc thi. |
Bà Ngô Thị Thu Ba - tác giả của "Bức họa ven biển", cho biết bức ảnh được bà chụp tại một bãi biển ở Vũng Tàu. Bức ảnh này cho thấy sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, khi ngư dân đẩy thuyền thúng ra biển thì họ cũng phải hợp sức đẩy bằng đòn bẩy thô sơ để từ bờ ra đến biển. Hình ảnh lao động đó, hòa quyện cùng màu sắc của nước biển, của doi cát tạo trong tôi cảm xúc nhẹ nhàng, mềm mại về cuộc sống thanh bình ở vùng biển Việt Nam.
Tác phẩm "Du lịch sinh thái rừng dừa ngập mặn Bảy Mẫu" của tác giả Phan Vũ Trọng. |
Theo tác giả Phan Vũ Trọng, rừng dừa Bảy Mẫu thuộc thôn 2 và 3, xã Cẩm Thanh, các phố cổ Hội An khoảng 5 km về phía đông, rộng hàng chục ha nằm giáp ba con sống Đế Võng, Thu Bồn và sông Hoài ngay khu vực Cừa Đại, nơi dòng sông gặp biển. Hiện nay, du lịch sinh thái cộng đồng nơi đây mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho địa phương, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái rừng dừa, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo ở địa phương.