Chuẩn bị tâm lý bình tĩnh khi làm bài
Khi thi, sự mất bình tĩnh có thể gây ra các sai sót đáng tiếc. Thí sinh tạo được tâm lý bình tĩnh bằng cách:
Nắm vững kiến thức trọng tâm trong sách giáo khoa, nhất là kiến thức lớp 9.
Thi thử bằng đề thi cũ của Sở GD&ĐT thuộc nơi mình thi (ít nhất 10 đề trong 10 năm gần đây) trong thời gian quy định.
Thí sinh nên đến phòng thi sớm để làm quen với không khí phòng thi, tránh được sự căng thẳng do các nguyên nhân như: Sợ đến thi muộn, quên giấy tờ, quên đồ dùng học tập…
Xem lướt toàn bộ đề thi để xác định thứ tự làm bài
Trước khi làm bài, thí sinh nên xem lướt toàn bộ đề để nhận biết những bài dễ hoặc bài có dạng quen thuộc. Sau đó thí sinh hãy làm những bài này trước để sớm đạt được một phần điểm, khiến cho bản thân tự tin và bình tĩnh hơn khi tiếp tục giải quyết các bài khó hơn.
Những bài có mức độ không khó chiếm khoảng 8.5 điểm, nên nếu thí sinh mất nhiều thời gian để làm bài khó trước sẽ tự gây bất lợi. Làm được bài khó thì số điểm đạt được ít, mà thường mất nhiều thời gian nghĩ. Trong trường hợp không giải được bài khó, còn gây tâm lý hoang mang.
Những câu dễ nhiều người làm được, nên nếu thí sinh nào để mất điểm ở các câu này sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến cơ hội đỗ. Những câu khó thì ít người làm được, nên nếu thí sinh không làm được có thể vẫn không ảnh hưởng đến cơ hội đỗ.
Th.s Dương Du Viên |
Kiểm tra lại ngay câu vừa làm
Thí sinh phải nhớ rằng “Làm đến đâu phải đúng đến đó”. Làm xong từng ý nên kiểm tra lại ngay, nhất là các tính toán.
Trong trường hợp một câu (như Câu 1) có nhiều ý nhỏ và câu sau dùng kết quả của câu trước, nếu ý đầu tiên thí sinh làm sai thì các ý tiếp theo cũng sẽ sai hoặc trở nên phức tạp. Sự sai dây chuyền sẽ làm thí sinh mất rất nhiều điểm.
Không để mất điểm đáng tiếc
Trong quá trình làm bài thi môn Toán, có một số lỗi phổ biến dưới đây mà các thí sinh cần chú ý để khỏi mất điểm đáng tiếc:
Viết câu tối nghĩa hoặc sai nghĩa, ví dụ: Gọi số thí sinh là x tờ giấy thi; Gọi x là thời gian đi hết quãng đường trong 1 giờ.
Tính toán sai: Học sinh cần xem lại cẩn thận các tính toán. Chỗ nào có thể dùng máy tính (cầm tay) thì nên dùng máy tính để tính lại. Ví dụ: Gặp bài giải phương trình hay hay hệ phương trình thì nên dùng máy giải tự động để xem có trùng với đáp số mình đã tìm được. Nên thay đáp số tìm được vào các phương trình hoặc bất phương trình trong đề bài để xem nó có thỏa mãn không.
Chép sai đề, đọc nhầm đề: Khi chép lại đề vào bài làm, thí sinh phải kiểm tra lại ngay. Cần đọc cẩn thận từng chữ ở ý sắp làm trong đề để hiểu đúng giả thiết và yêu cầu của đề bài. Ví dụ: Đề cho đường thẳng cắt tia Ox tại điểm A, nhưng nếu không chú ý chữ “tia” thì sẽ bỏ qua giả thiết hoành độ của A là số dương.
Vẽ sai hình, hình vẽ thiếu nét, vẽ chính thức nét thẳng bằng chì: Thí sinh vẽ sai hình thì bài hình sẽ được chấm 0 điểm. Vẽ thiếu nét có thể bị trừ điểm. Vẽ chính thức nét thẳng bằng chì là phạm quy.
Trình bày vắn tắt: Những chỗ chưa hiển nhiên đúng mà thí sinh không giải thích thì sẽ bị mất điểm.
Thiếu điều kiện, không đối chiếu kết quả cuối cùng với điều kiện: Trong bài toán tìm giá trị, thí sinh phải đặt điều kiện để các phép toán trong biểu thức thực hiện được hoặc giá trị phải tìm phù hợp với thực tế (như: độ dài quãng đường xe đi phải là số dương; số lượng sản phẩm phải là số tự nhiên; vận tốc riêng của vật chuyển động ngược dòng nước phải lớn hơn vận tốc của dòng nước; thời gian để một vòi chảy một mình đầy bể phải lớn hơn thời gian cả hai vòi cùng chảy làm đầy bể).
Những bài cảm thấy không làm được trọn vẹn nhưng không viết ra phần nào: Dù thí sinh không làm được trọn vẹn, nhưng viết được phần nào đúng vẫn có điểm. Ví dụ như ở bài toán thực tế ở Câu 2, chỉ cần thí sinh đặt đủ các ký hiệu ẩn số và nêu đúng điều kiện của ẩn số là đã được 0.25 điểm. Thí sinh nhớ rằng, viết thêm được gì (không phạm quy) thì bài đều có thể lấy thêm điểm, điểm tăng thêm chứ không bị bớt đi.
Viết chữ tắt tùy tiện, chẳng hạn như: pg, đg, nO…
Trong một câu có các ý nhỏ, nhưng thí sinh không đánh dấu thứ tự ở đầu lời giải của từng ý để phân biệt, dẫn đến các ý lẫn nhau, sẽ mất điểm rất nhiều.